Báo chí góp phần tạo nên thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch COVID-19

Xã hội
03:01 PM 18/06/2021

Tháng 12 năm 2019, một mầm bệnh mới đã xuất hiện bởi một loại vi rút có tên ‘SARS-CoV-2’ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là ‘COVID-19’ dẫn đến sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng sức khỏe nhân loại lớn nhất cho đến nay. Sự lây lan nhanh chóng dịch bệnh này tạo ra một trạng thái hoang mang trên toàn cầu trong đó Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Ở nước ta tính tới thời điểm này dịch bệnh đã bùng phát 4 đợt, nhưng cơ bản mỗi đợt đều được khống chế, kiểm soát kịp thời theo cách mà ít nơi nào trên thế giới có thể làm được, giúp hạn chế số ca nhiễm, lây lan trong cộng đồng, hầu hết các trường hợp bị nhiễm đều được chữa khỏi, tỷ lệ tử vong ở mức thấp. Trong thành công này, phải kể đến vai trò to lớn của các Nhà báo, phóng viên, biên tập viên, những người làm việc trong ngành truyền thông, báo chí.

photo-1624002815320

Tâm lý chung bất cứ khi nào có dịch bệnh bùng phát, mọi người có xu hướng tìm đến các phương tiện truyền thông chính thống để cập nhật thông tin. Thực hiện lời dạy của Bác: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng", do vậy ngay từ đầu, báo chí Việt Nam đã thông tin rất sớm, kịp thời diễn biến dịch bệnh và cung cấp những thông tin về tình hình lây nhiễm, cơ chế lây nhiễm, biện pháp phòng tránh, khả năng chữa trị, phản bác các thông tin giả, chống kỳ thị phân biệt với người bị nhiễm, tuyên truyền các quy định của các cơ quan chức năng có liên quan về công tác phòng chống dịch, kêu gọi ủng hộ người dân vùng dịch… của báo chí là rất có ý nghĩa để người dân nâng cao hiểu biết và tự phòng tránh cho bản thân, gia đình.

Nhiều nhà báo đã bất chấp hiểm nguy, không quản ngại ngày đêm có mặt tại những vùng dịch, trong các bệnh viện, ở các khu cách ly, các cửa khẩu, biên giới… để có những thông tin, hình ảnh chân thực về tình hình dịch bệnh. Có những nhà báo đã bị nhiễm Covid-19, qua đấy có thể thấy rằng tác nghiệp trong vùng dịch không khác gì tác nghiệp ngoài chiến trường, với nhiều rủi ro có thể gặp phải.

photo-1624002817650

Tác nghiệp ở tuyến đầu chống dịch. Nguồn: truyenhinhnghean.vn

Có thể khẳng định, chưa khi nào thông tin báo chí lại được người dân theo dõi cập nhật từng giờ như hiện nay và cũng ít có khi nào thông tin trên báo chí lại dồi dào, minh bạch và đồng loạt như vậy. Đã có hàng trăm ngàn tin, bài về dịch Covid-19 với đa dạng các sắc thái được các cơ quan báo chí sản xuất và công bố. Trong gần 2 năm qua mỗi khi Việt Nam bước sang trạng thái bình thường mới sau mỗi đợt dịch, tỷ lệ tin bài liên quan đến dịch Covid-19 vẫn được các cơ quan báo chí duy trì giúp người dân không rơi vào trạng thài chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Báo chí đã phát huy sức mạnh của mình với đa loại hình, đa phương tiện, đa ngôn ngữ trong tuyên truyền phòng, chống dịch. Các Nhà báo đã chấp nhận hiểm nguy để cho ra đời các tác phẩm báo chí trong không gian và thời gian đỉnh dịch. Ngoài ra do sự phát triển của mạng xã hội nên sự lan truyền của các tin giả, tin tức phi khoa học, thông tin gây phân biệt chủng tộc liên quan dịch bệnh trên mạng xã hội tạo ra một sự hoảng loạn cho người dân thì thông tin báo chí đã cho thấy vai trò quan trọng của mình trong định hướng dư luận xã hội, mang đến thông tin chính thống để người dân bình tĩnh, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh.

Thông qua báo chí, những thông tin tích cực, hành động tử tế, những câu chuyện đẹp trong thời dịch bệnh được truyển tải qua các tác phẩm báo chí đã mang đến luồng gió mới, góp phần mang đến sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, sẻ chia hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch. Đặc biệt, sự đồng hành của báo chí mang đến nguồn động viên, cổ vũ lớn đối với đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội… trong việc phòng chống dịch bệnh.

photo-1624002818463

Theo khảo sát thì có đến gần 90% người được hỏi đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống Covid-19. Ghi nhận các đóng góp của các cơ quan báo chí, tại hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 16/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã nêu rõ: "Công tác tuyên giáo và báo chí đóng góp cho phòng chống dịch thành công bước đầu. Các tờ báo đưa tin và thực hiện kỷ luật thông tin, giúp người dân có thông tin chính xác về diễn biến dịch". Các đóng góp của các cơ quan báo chí trong việc phòng chống dịch bệnh được khẳng định thông qua việc có nhiều tác phẩm nổi bật phản ánh công tác phòng, chống dịch COVID-19 được lọt vào chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV năm 2020.

Dịch Covid-19 đã làm nhiều ngành, nhiều giới phải điều chỉnh hoạt động của mình thì chính báo chí cũng phải tự điều chỉnh để không chỉ thích nghi mà còn có đóng góp quan trọng vào phòng, chống dịch, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng đại dịch. Đó là món quà quý giá để các cơ quan báo chí có sản phẩm thiết thực, đóng góp chào mừng kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.


Châu Nguyên
Ý kiến của bạn