Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu tăng tháng thứ hai liên tiếp

Quốc tế
12:51 PM 04/05/2024

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp vào tháng 4. Đây là lần đầu tiên giá lương thực toàn cầu tăng liền hai tháng trong hơn hai năm qua.

Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FFPI), theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, tăng lên mức 119,1 điểm từ 118,8 điểm trong tháng 3, theo báo cáo của FAO hôm 3/5.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này tăng điểm nhưng vẫn đang thấp hơn 7,4% so với một năm trước. Chỉ số FFPI chạm mức thấp nhất trong 3 năm hồi tháng 2 khi giá cả thực phẩm tiếp tục suy yếu từ mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3/2022 ngay sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu tăng tháng thứ hai liên tiếp- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

FAO cho biết trong tháng 4 vừa qua, giá thịt tăng lớn nhất, ở mức 1,6%. Nguyên nhân là do nhu cầu về thịt gia cầm tăng cao ở Trung Đông.

Giá ngũ cốc và các loại hạt, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Chỉ số giá lương thực, tăng 0,3% do lo ngại về sản xuất ở châu Âu và gián đoạn vận chuyển do tình hình xung đột ở Ukraine.

Giá dầu thực vật tăng nhẹ do điều kiện thời tiết bất lợi ở Bắc bán cầu, sau khi tăng mạnh tới 8% vào tháng Ba.

Trong khi đó, giá đường giảm 4,4% do sản lượng dồi dào ở Ấn Độ và Thái Lan, cùng thời tiết thuận lợi ở Brazil.

Giá sữa giảm 0,3% sau khi tăng trong 6 tháng trước đó. FAO cho biết tỷ giá hối đoái là một trong những yếu tố dẫn đến sự sụt giảm này.

Trong một báo cáo riêng về nguồn cung ngũ cốc, FAO nâng ước tính sản lượng ngũ cốc thế giới niên vụ 2023-2024 lên 2,846 tỉ tấn từ mức 2,841 tỉ tấn dự kiến vào tháng trước. Con số này cao hơn 1,2% (tương đương 35,1 triệu tấn) so với niên vụ trước.

FAO ước tính, sản lượng gạo (đã xay xát) toàn cầu niên vụ 2023-2024 sẽ đạt kỷ lục mới là 529,2 triệu tấn, cao hơn 0,7% so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, FAO cũng nâng nhẹ dự báo về sản lượng bắp và lúa mì toàn cầu.

Đối với niên vụ sắp tới, FAO hạ dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu xuống còn 791 triệu tấn từ mức 796 triệu tấn dự báo trong tháng trước. Điều chỉnh này nhằm phản ánh diện tích trồng lúa mì ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh hơn dự kiến trước đây. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh, triển vọng sản lượng lúa mì năm 2024 vẫn cao hơn khoảng 0,5% so với mức của năm trước.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp

Tháng 4/2024, xuất khẩu dệt may tăng 2,8%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng cùng với tình hình thị trường khởi sắc, cho thấy ngành dệt may đang dần phục hồi.