"Đạo sắc màu máu" làm rõ đại án Minh Sùng Trinh giết Chánh sứ Đại Việt

Văn hóa
09:53 PM 09/07/2020

    Nhà xuất bản Thanh niên vừa mới tái bản lần 1, có bổ sung cuốn Đạo sắc màu máu của tác giả Từ Khôi - bút danh của nhà văn, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng, hiện là Phó Trưởng ban Văn hóa Nghệ thuật, báo Đại Đoàn kết. Đây là tập truyện ngắn lịch sử, gồm 7 truyện viết về các danh nhân chính khách tiêu biểu của nước ta trong 1 thiên niên kỷ trở lại đây, cùng với 2 đại án làm đau lòng cả đương thời và hậu thế. Đó cũng là góc nhìn/suy nghĩ của tác giả Từ Khôi về số phận và thân phận của kẻ sĩ, cũng như cốt cách của họ trước những biến thiên/bão giông của thời đại/thời cuộc.

    Bìa tập truyện ngắn "Đạo sắc màu máu".

    Cũng giống như tập truyện và tùy bút Thái sư hóa hổ của tác giả, NXB Thanh niên, xuất bản năm 2017, Đạo sắc màu máu cũng được Từ Khôi đầu tư rất nghiêm túc, công phu. Anh đã dành nhiều thời gian đi thực địa, thu thập mọi dữ kiện kể cả những giai thoại trong dân gian, dịch thuật văn bia, sắc phong, tham chiếu chính sử, đồng thời dùng thủ pháp nghệ thuật của văn chương để giải mã những góc khuất của lịch sử và bày tỏ chính kiến của mình trong mỗi câu chuyện.

    Ở đại án đầu tiên: vụ án Hồ Dâm Đàm, với 2 truyện ngắn Hồ Tây có sương mù giăngNỗi đau của rồng, Từ Khôi đã cố gắng làm sáng tỏ những điểm còn mập mờ trong sử sách xưa và những góc khuất trong vụ án này, qua đó chiêu tuyết (rửa oan hờn) oan khuất thiên kỷ của Thái sư Lê Văn Thịnh, vị trạng nguyên khai khoa mở đầu cho học giới nước nhà. 

    Cũng cần phải nói thêm rằng, hai truyện ngắn này chỉ là một phần nhỏ trong các công trình nghiên cứu của của Từ Khôi về vụ án hồ Dâm Đàm. Anh còn xuất bản sách Thái sư hóa hổ (như kể trên) và dựng cả phim tài liệu “Thái sư Lê Văn Thịnh” đang chờ ngày phát hành.

    Ở đại án thứ 2: Minh Sùng Trinh, tên vua bạo ngược nhà Minh đã giết chết 2 vị Chánh sứ Đại Việt trong cuộc thách đố giữa triều nhà Minh (năm 1639), Từ Khôi đã làm rõ cái chết của Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu, vẫn còn nhiều ẩn khuất lâu nay.

    Mộ Hoàng giáp Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu.

    Đề cập đến đại án này, trước nay chúng ta chỉ nghe nói đến sự hy sinh của Chánh sứ Giang Văn Minh. Còn sự hy sinh của chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu không thấy nói đến. Nhưng bằng các nguồn sử liệu và nhất là bản sắc phong năm 1640, Từ Khôi đã làm rõ sự hy sinh của Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu. Với Phó sứ Thân Khuê ngay từ thời Lê, đã có sử viết ông hy sinh khi đi sứ... Lịch sử bấy lâu cũng biên ghi chưa đầy đủ, thường chỉ nhắc tới Giang tiên sinh mà quên vị anh hùng họ Nguyễn.

    Trong truyện ngắn Đạo sắc màu máu, Từ Khôi đã trình bày lý do tại sao lại có 2 đoàn cống sứ đi cùng một lúc năm đó đồng thời nêu rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 sứ giả gồm 2 vị Chánh sứ là Giang Văn Minh và Nguyễn Duy Hiểu, cùng vị Phó sứ Thân Khuê. 

    Nguyên nhân là giới quan chức nhà Minh tự phụ khoe mình hay chữ, thách đối sứ thần của các nước triều cống. Nhẽ ra với việc tỉ thí văn chương thì ta vẫn lấy sự nhường nhịn làm chính. Thế nhưng, đằng này, chúng lại đụng đến quốc thể của nước ta. 

    Vế đối của nhà Minh là: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục. Nghĩa: Phải chăng cột đồng (do Mã Viện chôn) đã xanh rêu. Ý nói cột đồng sắp gãy, vận nước Nam sắp bị diệt rồi. Bởi truyền thuyết nói Mã Viện sau khi đánh Hai Bà Trưng, có khắc lên cột  đồng một lời nguyền Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt, nghĩa là cột đồng này gãy đổ thì nước Giao Chỉ bị diệt.

    Đền thờ Thái tể Nguyễn Duy Thì và Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu.

    Không chịu mối quốc nhục, 2 vị Chánh sứ của ta đã bàn bạc, thống nhất đối lại: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng. Nghĩa là: Có phải sông Bạch Đằng nước tôi từ xưa nước vẫn đỏ như máu? Ngầm ý nói đến 3 trận đánh trên sông Bạch Đằng, nhuộm đỏ máu quân xâm lược phương Bắc: lần 1 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938; lần 2 là trận diệt thủy quân quân Tống năm 981; lần 3, năm 1288, Trần Hưng Đạo tiêu diệt và bắt sống hơn 1 vạn quân giặc trên sông Bạch Đằng.

    Câu đối tích hợp cả 3 trận thua nhục nhã của quân xâm lược phương bắc, khiến vua Minh Sùng Trinh không nuốt nổi quả đắng, nên đã hèn hạ, giết hai vị Chánh sứ. Giết người vì bẽ mặt bởi khoe chữ, đó là điều trong lịch sử duy nhất chỉ xảy ra trên đất Trung Hoa vốn xưng là trung tâm văn minh, văn hiến.

    Cũng trong tập truyện ngắn, Từ Khôi còn viết về Đặng Trần Côn với mối tình si dành cho nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã tạo nên khúc “Chinh phụ ngâm” và “Bích Câu kỳ ngộ” (truyện Khúc ngâm viết dưới hầm thờ tổ); Câu chuyện của Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với sư nữ Đàm Liên gắn với việc khắc in cuốn y học nổi tiếng Y tông tâm lĩnh (truyện Mối tình oan nghiệt của ông già lười); tình bạn giữa Thần Siêu, Thánh Quát (truyện Tả Thanh ThiênGió đổi chiều).

    Đó đều là kẻ sĩ, mỗi người một vẻ, người người luôn đau đáu nỗi thương đời thương dân, người cương trực khí tiết, người hay chữ… Mỗi người trong họ cũng có thân phận, số phận khác nhau, có cả những bi kịch. Cao Bá Quát và Nguyễn Siêu vì mang cái danh của kẻ sĩ Bắc Hà mà bị thất thế trên chính trường, Đặng Trần Côn và Lê Hữu Trác đều có những mối oan nghiệt...


     


     

    Minh Châu
    Ý kiến của bạn