Diễn đàn doanh nghiệp: Lựa chọn nào thời hậu COVID - 19?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
02:00 PM 03/07/2020

Theo ADB, hậu COVID - 19 đang tác động đến nền kinh tế thế giới hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại kinh tế toàn cầu lên đến 5,8 - 8,8 nghìn tỷ đô la (tương đương 6,4-9,7 GDP toàn cầu). Tại Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020 vừa qua cũng cho thấy, đại dịch nói trên đã tác động đến mọi mặt, mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế - xã hội.

    Đó là lý do diễn ra Hội thảo “Diễn đàn doanh nghiệp: Lựa chọn nào thời hậu COVID - 19?”, do tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (thuộc VCCI) tổ chức chiều ngày 2/7/2020.

    Đoàn chủ tọa diễn đàn. Ảnh Ngọc Kha

    Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tại Hội nghị với địa phương diễn ra vào sáng nay (2/7), Chính phủ dự báo tình hình COVID - 19 trên thế giới còn phức tạp, phần lớn thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam còn lún sâu trong khủng hoảng do vậy việc mở cửa thị trường thế giới cần thận trọng.

    TS Vũ Tiến Lộc. Ảnh Ngọc Kha

    Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ thêm, mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng 2,7% - tăng khá thấp nhưng con số này vẫn được xem là mức cao ở Châu Á. Việt Nam đã tạm thời kiểm soát thành công dịch COVID - 19 và bước vào giai đoạn phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro và bất định. "Cho nên, việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế phải đặt trên bối cảnh như vậy”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

    “Dù tình hình thế nào cũng cần duy trì lạm phát dưới 4%. Điều này, cũng là cam kết của Chính phủ với cuộc sống người dân và nhà đầu tư”, TS Lộc nói.

    Cùng với giải pháp đó, theo TS Lộc, vẫn phải tiếp tục cải thiện các thủ tục hành chính cắt giảm tiếp nhiều điều kiện kinh doanh, một trong những điểm nghẽn rất nghiêm trọng kinh doanh doanh, đồng thời phải đẩy mạnh số hóa trong thanh toán và củng cố khả năng quản trị, phân tích thị trường...

    Cũng trăn trở về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang vướng mắc, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng cần “xốc” lại công tác dự báo cũng như tầm nhìn chiến lược tại các doanh nghiệp cũng như tầm quốc gia để phát triển bền vững.

    TS Võ Trí Thành. Ảnh Ngọc Kha

    Theo TS Võ Trí Thành, cần suy ngẫm về lựa chọn của đất nước. Đó là việc đảm bảo chủ quyền an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển. Cùng với đó là việc mở rộng cơ hội, lựa chọn và năng lực, thể chế, con người, cải cách từ bên trong đồng thời với hội nhập quốc tế. Và để sáng tạo sản phẩm mới và truyền thông, bán hàng tốt, cần đáp ứng xu hướng phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội cùng cuộc cách mạng tiêu dùng: Xanh, thông minh, nhân văn, biểu tượng và cá tính. Ông khuyến cáo các doanh nghiệp cần đồng thời chuyển đổi marketing 4P (Product, Price, Place, Promotion), 4C (Customer Solution, Costunmer Cost, Convenience, Communication), 4C tăng cường (Co- creation Currency, Communal Activation, Conversation). Đặc biệt, theo ông, doanh nghiệp không chỉ bán cái thị trường cần mà phải biết cả tạo dựng thị trường. Ngoài ra, phải thay đổi kỹ năng và ứng xử người lao động, đối diện với lựa chọn thay đổi để có việc làm mới hay bị bỏ lại phía sau.

    Dưới góc độ chuyển dịch mô hình kinh doanh và chi phí để tăng cường sức bền và tính linh hoạt, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Hoàng Đức Hùng chia sẻ: Một số chi phí từng được các nhà lãnh đạo cho là cố định thì nay lại là chi phí biến đổi, ví dụ chi phí thuê văn phòng. Trong khi đó, một số năng lực vốn được xem như kiến tạo khác biệt thì giờ đây đã trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp, ví dụ tự động hóa và công nghệ giúp phối hợp làm việc.

    Quang cảnh diễn đàn. Ảnh Ngọc Kha

    Và trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’, các lãnh đạo doanh nghiệp phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng. “Để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai, đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét lại các lĩnh vực doanh nghiệp ưu tiên, tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo nhân viên theo cách vận hành mới” - ông Hùng nói.

    Theo Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, khủng hoảng nguồn cung cấp đã khiến trọng tâm thay đổi từ hiệu quả sang khả năng phục hồi và sự linh hoạt. Điều này thẻ hiện trong cách thức quản lý chuỗi cung ứng, sản xuất, lưu kho, vận chuyển, vận hành dịch vụ và dịch vụ khách hàng.

    Với bài phát biểu “Định hình lại chuỗi cung ứng hậu COVID - 19: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”, ông Vũ Tú Thành - Phó Gám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại sau đại dịch COVID - 19.

    Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, các nhà đầu tư đang đa dạng hoá thị trường đầu tư. Tức đưa việc sản xuất ra các thị trường ngoài Trung Quốc. “Xu hướng này đã bắt đầu 6 năm trước, thương chiến Mỹ - Trung khiến xu hướng này trở lên mạnh mẽ và càng mạnh mẽ hơn trong đại dịch COVID - 19”, ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.

    Theo đó, ông Thành cho biết, chi phí là yếu tố mà doanh nghiệp quan tâm nhất khi xem xét một thị trường mới cho đầu tư. Sau thương chiến Mỹ - Trung, yếu tố rủi ro được đưa vào là yếu tố xem xét bên cạnh chi phí. Còn sau COVID - 19 thêm một yếu tố được xem xét đó là khả năng chống chịu với các cú sốc.

    “Nếu đặt tất cả các yếu tố chi phí, rủi ro, khả năng chống chịu vào Trung Quốc thì không đáp ứng được, Việt Nam theo đó trở thành mảnh đất màu mỡ, tiềm năng cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ”, ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.

    Trên đây là một số trong rất nhiều cách để các doanh nghiệp lựa chọn để có thể vượt qua khó khăn trong thời hậu COVID - 19 mà các diễn giả đã mở ra trong cuộc hội thảo này. Có thể nói đây là một trong những cẩm nang kinh doanh mà các doanh nhân cần tham khảo.

    Ngọc Kha
    Ý kiến của bạn