Giá vật liệu xây dựng dự báo tiếp tục tăng 3,2%

Nhịp đập thị trường
12:36 PM 26/03/2023

Bộ Xây dựng dự báo giá báo vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng khoảng 3,2% trong năm 2023, do tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

Dự báo trên được đưa ra từ diễn biến giá của năm 2022. Điểm nổi bật của thị trường vật liệu xây dựng trong năm 2022 là làn sóng tăng giá, trong đó có những mặt hàng ghi nhận mức tăng vượt đỉnh.

Giá vật liệu xây dựng dự báo tiếp tục tăng 3,2% - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Biến động mạnh nhất của thị trường vật liệu xây dựng là mặt hàng thép xây dựng, có thời điểm giá thép lên đến gần 21 triệu đồng/tấn, vượt xa đỉnh cũ của năm 2021. Năm 2022, giá mặt hàng này trải qua gần 30 lần điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng giá liên tiếp vào đầu năm, sau đó giảm liên tiếp 15 lần từ tháng 4 đến tháng 8 xuống xung quanh 14 triệu đồng/tấn. Tính chung năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng tăng 6,96%.

Còn tính từ đầu năm tới nay, giá thép có tới 5 lần tăng liên tiếp, tương tự giá các mặt hàng xăng dầu, xi măng, cát… cũng không ngừng tăng lên. Giá tăng trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ nội địa mặt hàng này sụt giảm nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 toàn ngành đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021, tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%.

Theo các chuyên gia, biến động giá nguyên liệu đầu vào theo chiều hướng tăng vẫn tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp. Vietnam Report cũng cho rằng, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng leo thang không phải do cầu thị trường tăng mà do tác động của giá nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như xăng, dầu, than, giá cước vận tải... tăng cao và khan hiếm dẫn đến chi phí khai thác và sản xuất đều tăng, đặt gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự bất cân xứng cung cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ gây nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, những rào cản thương mại của các nước nhập khẩu buộc doanh nghiệp VLXD Việt Nam vất vả hơn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản được dự báo chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm nay, kéo theo sự hồi phục chậm của các doanh nghiệp ngành VLXD.

Nhiều doanh nghiệp VLXD tin tưởng sức bật của thị trường phụ thuộc lớn vào các công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Các gói tín dụng cho nhà ở xã hội hay việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý trên thị trường bất động sản của Chính phủ sẽ khơi thông những dự án bất động sản triển khai dang dở ở giai đoạn trước, giúp thúc đẩy tăng trưởng "hệ sinh thái" đi cùng như xây dựng và VLXD.

Bên cạnh đó, việc chính sách "Zero COVID" được gỡ bỏ và các gói cứu trợ lĩnh vực bất động sản dần có hiệu lực ở Trung Quốc, thị trường xuất khẩu sắt thép, xi măng lớn nhất của Việt Nam, được cho là động lực quan trọng cho thị trường VLXD trong năm nay.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn