Giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án

Đời sống
11:00 AM 06/06/2020

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến việc áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp thương mại tại toà án nhân dân có thẩm quyền.

Việc áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực thương mại được thông qua nhiều hoạt động khác nhau như: Xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép thành lập và hoạt động, hay cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể; giải quyết tranh chấp trong thương mại; giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã…

1. Tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án

Trong quá trình hoạt động thương mại, các bên tham gia (chủ yếu là các thương nhân - tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh) khó tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ trong những quan hệ cụ thể. Khi tranh chấp xảy ra, để đảm bảo quyền lợi của mình, các bên đều muốn giải quyết tranh chấp nhanh chóng, thuận lợi, có hiệu quả và không ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh. Theo quy định tại Điều 317 Luật Thương mại năm 2005, các hình thức giải quyết tranh chấp, là:

- Thương lượng giữa các bên.

- Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

- Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

So với các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại khác, giải quyết tranh chấp thương mại tại toà án có một số ưu điểm và một số hạn chế sau:

a- Ưu điểm:

- Việc khởi kiện tại toà án kinh tế để giải quyết các tranh chấp có những ưu điểm nhất định. Toà án là cơ quan nhân danh nhà nước để giải quyết tranh chấp, do đó phán quyết của toà án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Cơ quan thi hành án là một cơ quan chuyên trách và có đầy đủ bộ máy, phương tiện để thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật.

- Nguyên tắc nhiều cấp xét xử bảo đảm cho quyết định của toà án được chính xác, công bằng, khách quan và đúng với pháp luật.

- Thẩm quyền giải quyết của toà án được mở rộng đến tất cả các ngành kinh tế.

- Chi phí cho việc giải quyết tranh chấp kinh tế tại toà án thấp hơn rất nhiều so với việc nhờ đến các tổ chức trọng tài thương mại hay trọng tài quốc tế.

b- Hạn chế:

- Khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng toà án, các bên phải nắm rõ đươc bản chất. Việc giải quyết tranh chấp của toà án phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mang tính hình thức của pháp luật tố tụng. Đặc điểm này có thể gây trở ngại cho các bên tranh chấp vì tính chất của hoạt động kinh doanh, thương mại đòi hỏi mọi thủ tục phải linh động và mềm dẻo.

- Nguyên tắc xét xử công khai: Bản chất của hoạt động xét xử là bảo vệ pháp chế và duy trì công lý đã được pháp luật quy định, xã hội thừa nhận. Hoạt động xét xử công khai của toà án có tác dụng răn đe, cảnh cáo những hành vi vi phạm pháp luật. Trong một số trường hợp, để giữ bí mật nhà nước hoặc bí mật nghề nghiệp theo yêu cầu chính đáng của đương sư, toà án có thể xử kín nhưng phải tuyên án công khai. Các doanh nghiệp làm ăn trên thương trường đều không muốn “mang tiếng” phải ra toà để giải quyết tranh chấp. Vì có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.

- Nguyên tắc xét xử nhiều cấp đảm bảo cho quyết định của toà án là chính xác, công bằng. Nguyên tắc này sẽ khiến cho vụ việc có thể bị kéo dài, xử đi xử lại nhiều lần,  gây bất lợi cho đương sự: căng thẳng tâm lý, mất nhiều thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp. Chưa kể. có thể bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh khác.

- Khả năng tác động của các bên trong quá trình tố tụng rất hạn chế, đôi khi không thể hiện được hết nguyện vọng của các bên tranh chấp.

Hình thức giải quyết tranh chấp thương mại thông qua toà án được lựa chọn khi việc áp dụng cơ chế thương lượng hoặc hoà giải không có hiệu quả và các bên tranh chấp không có thoả thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài.

Theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011 – viết tắt BLTTDS), các tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án, bao gồm:

“1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

3. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.

4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.

Các tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 30 là các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại. Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005:“Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.” và Khoản 16 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014:“Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”.

- Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng kí kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận, gồm có: Mua bán hàng hoá; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý; kí gửi; thuê, cho thuê, thuê mua; xây dựng; tư vấn kĩ thuật; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa; vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; mua bán cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác; đầu tư tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác.

- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

- Tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.

Tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án có những đặc điểm sau:

1- Những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh từ những hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

2- Tranh chấp đó phát sinh chủ yếu giữa các thương nhân, đặc biệt là những tranh chấp phát sinh từ hoạt động mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, phân phối, đại diện, đại lý… thăm dò khai thác đều được coi là tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án khi những tranh chấp này phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

2. Thực trạng áp dụng pháp luật

Toà án là cơ quan tài phán của nhà nước tiến hành áp dụng pháp luật trong trường hợp xảy ra tranh chấp thương mại phát sinh trong hoạt động thương mại giữa các chủ thể mà họ không tự giải quyết được với nhau. Một trong các bên làm đơn khởi kiện yêu cầu sự can thiệp của toà án để bảo vệ quyền lợi của mình. Toà án chỉ giải quyết tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền của mình theo quy định tại Điều 30 BLTTDS và giữa các bên không có thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp đó bằng trọng tài. Ngoài ra thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại tại toà án còn được phân định theo cấp toà án, theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của nguyên đơn.

Khi giải quyết tranh chấp thương mại, toà án có thẩm quyền áp dụng pháp luật sẽ đóng vai trò là bên thứ ba, là cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp được yêu cầu. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, toà án có thẩm quyền sẽ nhân danh quyền lực nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để ra bản án hoặc quyết định có giá trị bắt buộc các bên tranh chấp và tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện. Bản án, quyết định của toà án được cơ quan thi hành án của Nhà nước bảo đảm thi hành.

Việc giải quyết tranh chấp thương mại tại toà án được tiến hành theo thủ tục tố tụng toà án quy định trong pháp luật tố tụng dân sự. Các văn bản pháp luật chủ yếu mà toà án dùng làm căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền là: Bộ luật Dân sự năm 2005; Luật Thương mại năm 2005; Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010); Luật Du lịch năm 2005; Luật Dược năm 2005; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật Xây dựng năm 2014; Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Đầu tư công năm 2014; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).

Toà án cần áp dụng pháp luật có hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp thương mại đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Điều này phụ thuộc rất lớn vào các quy định pháp luật của nhà nước. Pháp luật thương mại ngày càng phải hoàn thiện hơn để toà án có đầy đủ cơ sở pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp thương mại ngày càng phổ biến như hiện nay.

 

Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH
Ý kiến của bạn