Hà Nội dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP

Địa phương
10:13 AM 01/05/2024

Tính đến hết tháng 4/2024, 63/63 tỉnh, TP của cả nước đã triển khai đánh giá, phân hạng được hơn 12.000 sản phẩm OCOP. Hà Nội tiếp tục duy trì vị thế lá cờ đầu với số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên lớn nhất.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 4/2024, 63 tỉnh, TP của cả nước đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Trong số này, có 73,9% sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 24,7% sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Hà Nội tiếp tục là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên lớn nhất.

Hà Nội dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đầu tư

Lũy kế từ 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm (bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm). Trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.

Đồng bằng sông Hồng là khu vực dẫn đầu cả nước với 30,7% tổng số lượng sản phẩm OCOP của cả nước. Tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long (18,3%), miền núi phía Bắc (16,8%), vùng Đông Nam Bộ (5,8%).

Đáng khích lệ, Chương trình OCOP ngày càng thu hút được sự tham gia của đông đảo các thành phần kinh tế. Hiện, đã có 6.542 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 32,5% là hợp tác xã, 22% là doanh nghiệp, 40,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Đây chính là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Để đưa nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội tiếp cận thị trường quốc tế, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng thiết kế mẫu mã; hỗ trợ các chủ thể nói riêng và làng nghề nói chung; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, giúp sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP đã khẳng định sự phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Nhiều địa phương đã ban hành chính sách riêng để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn.

Bên cạnh đó, các địa phương đã từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp... Qua thống kê, tỷ lệ chủ thể OCOP xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm OCOP là 34,6%.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn