Hà Nội sắp có hệ thống bản đồ số cập nhật ngập lụt theo thời gian thực

Địa phương
07:02 PM 08/05/2024

Xây dựng hệ thống bản đồ ngập lụt tương ứng với các "kịch bản mưa" với đầy đủ thông tin vị trí điểm úng ngập, mức độ ngập,... là một trong những giải pháp của Hà Nội để bảo đảm công tác thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành mùa mưa năm 2024.

Để bảo đảm công tác thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành mùa mưa năm 2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND. Theo đó, UBND TP yêu cầu phát huy hiệu quả tiêu thoát nước của hệ thống hiện có, đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối, đảm bảo thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày tại khu vực đã được đầu tư, cải tạo hệ thống thoát nước nhằm giảm thiểu các điểm úng ngập cục bộ (về mức độ ngập và thời gian ngập).

Hà Nội sắp có hệ thống bản đồ số cập nhật ngập lụt theo thời gian thực- Ảnh 1.

Hà Nội sẽ có bản đồ số về ngập lụt. Ảnh minh họa: baoxaydung.com.vn

Theo dự báo, tình hình úng ngập trong mùa mưa năm 2024, trên địa bàn TP Hà Nội, với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/h có thể sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố. 

Trong khi đó, với các trận mưa có lượng mưa từ 50 ÷ 70mm/h, tồn tại 11 điểm úng ngập, 1 điểm (phố Nguyễn Chính) đã được đầu tư cải tạo thoát nước năm 2023 cần theo dõi đánh giá trong mùa mưa năm 2024. Với những trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/h trở lên gây quá tải cho hệ thống thoát nước ghi nhận thêm 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.

UBND TP Hà Nội đề ra các giải pháp thực hiện bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành thành phố mùa mưa năm 2024 như: Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, xây dựng kịch bản với các tình huống cụ thể, thực hiện duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ điều hòa; Kiểm soát, thường xuyên giữ mực nước đệm trên hệ thống mương, sông, hồ điều hòa thoát nước; Công tác sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đầu mối (trạm bơm, đập điều tiết, cống qua đê...); Sửa chữa giải quyết úng ngập cục bộ và khắc phục sự cố trên hệ thống thoát nước; Triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải bằng nguồn vốn đầu tư công; Triển khai công tác ứng trực giải quyết thoát nước mùa mưa...

Trong số các giải pháp, đáng chú ý, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS và cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia (bao gồm lĩnh vực thoát nước). 

Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng, thiết lập hệ thống quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố đồng nhất trên nền bản đồ số (cơ sở dữ liệu hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thoát nước...).

Từ đó, Hà Nội sẽ có hệ thống bản đồ ngập lụt tương ứng với các “kịch bản mưa” với đầy đủ thông tin vị trí điểm úng ngập, mức độ ngập (chiều dài, chiều rộng, chiều sâu của điểm ngập), hình ảnh điểm ngập… chia sẻ cho các đơn vị (Cảnh sát giao thông; Thanh tra Giao thông vận tải…) để có phương án hướng dẫn, phân luồng giao thông và để người dân có thể lựa chọn phương án tham gia giao thông hợp lý; Các đơn vị thoát nước có phương án vận hành hệ thống thoát nước, hệ thống hồ điều hòa, trạm bơm chủ động, giảm thiểu tình trạng úng ngập.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp

Tháng 4/2024, xuất khẩu dệt may tăng 2,8%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng cùng với tình hình thị trường khởi sắc, cho thấy ngành dệt may đang dần phục hồi.