Kiểm soát chặt giá cả khi điều chỉnh tăng lương từ ngày 1/7

Chính sách
05:59 PM 16/06/2023

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các giải pháp kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá và hướng tới kiểm soát tốt hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra trong năm 2023 là xuyên suốt cả năm.

Chiều 16/6, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2023. Một trong những vấn đề được báo chí quan tâm và đặt câu hỏi đó là công tác điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát sẽ được thực hiện ra sao khi từ ngày 1/7 sẽ tăng lương cơ sở.

Kiểm soát chặt giá cả khi điều chỉnh tăng lương từ ngày 1/7 - Ảnh 1.

Cần làm tốt là truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý khi thời điểm tăng lương cơ sở đã cận kề, để cả xã hội, và người tiêu dùng ổn định tâm lý.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các giải pháp kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá và hướng tới kiểm soát tốt hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra trong năm 2023 là xuyên suốt cả năm. Trong đó, bao gồm cả việc tính tới nhiệm vụ, chính sách khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là cần làm tốt là truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý khi thời điểm tăng lương cơ sở đã cận kề, để cả xã hội, và người tiêu dùng ổn định tâm lý. 

"Chính sách tăng lương cơ sở nằm trong chính sách được định trước nên để không ảnh hưởng tâm lý, rất mong các nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí và cả cơ quan làm chính sách trong đó có Bộ Tài chính đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để giảm bớt những ảnh hưởng tâm lý", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Thông tin thêm tại Họp báo, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng ban và Bộ Tài chính là cơ quan thường trực đã thường xuyên họp để đưa ra các kịch bản điều hành. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược như xăng dầu.

Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành thận trọng phù hợp từng thời kỳ. Các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ hoạt động kê khai thông báo giá, việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý giá, tránh việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Lo ngại giá cà phê tăng cao gây đứt gãy chuỗi cung ứng Lo ngại giá cà phê tăng cao gây đứt gãy chuỗi cung ứng

Giá cà phê những ngày đầu tháng 5 đã đạt mức cao kỷ lục, trên 131.000 đồng/kg. Đây là niềm vui cho người trồng cà phê nhưng lại là áp lực cho doanh nghiệp thu mua và gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.