Kiên Giang cần chuyển đổi sản xuất theo hướng thích nghi biến đổi khí hậu

Xã hội
05:27 PM 09/07/2020

Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc của Đoàn công tác Quốc hội do ông làm trưởng đoàn với tỉnh Kiên Giang, diễn ra ngày 9/7 vừa qua về an ninh và quản lý chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác Quốc hội và tỉnh Kiên Giang kiểm tra thực tế tại cống Kinh Cụt, TP. Rạch Giá.

    Báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh Kiên Giang có hệ thống thủy lợi khá phát triển với tổng chiều dài sông, kênh rạch hơn 12.000km, tuyến đê biển và hệ thống công trên đê. Các sông đóng vai trò quan trọng trong việc thoát lũ, tiêu thoát nước ra biển, tuy nhiên cũng dễ bị xâm nhập mặn sâu vào nội đồng trong những tháng mùa khô.

    Trong nhiều năm qua, Kiên Giang đã chủ động tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng đê biển, hệ thống cống kiểm soát mặn, đắp đập ngăn mặn thời vụ, cũng như vận hành công trình thủy lợi hợp lý theo từng thời điểm sản xuất góp phần giảm thiểu một phần ảnh hưởng của thiên tai, tác động của hạn hán và xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

    Tổng công suất của 23 hệ thống khu vực đô thị là 140.536m3/ngày - đêm, tuy nhiên mới đáp ứng được 58% nhu cầu của người dân. Trong đó, nguồn nước mặt chiếm 91%, hệ thống cấp nước dự phòng từ nguồn nước ngầm dự án phòng chống hạn, mặn TP. Rạch Giá là 25.000m3/ngày - đêm.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác Quốc hội kiểm tra tại cống Cái bé, thuộc dự án hệ thống thủy lợi Cái lớn - Cái bé giai đoạn 1.

    Toàn tỉnh đang vận hành, khai thác, quản lý 128 cống các loại. Trên vùng Tứ giác Long Xuyên có 52 cống; tây Sông Hậu 49 cống và U Minh Thượng là 27 cống. Việc phát triển thủy lợi thượng lưu sông Mê Kông làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dẫn đến thời tiết ngày càng có nhiều biểu hiện cực đoan, bất lợi cho sản xuất, đời sống và hoạt động kinh tế - xã hội. Vùng ven biển của tỉnh, nguồn nước ngầm được sử dụng phổ biến cho sinh hoạt, tưới cho hoa màu, nuôi trồng thủy sản… việc khai thác quá mức dẫn đến mực nước ngầm sụt giảm, bị nhiễm mặn rất khó phục hồi và gây sụt lún đất. 

    Kiên Giang cũng có một số kiến nghị với đoàn công tác Quốc hội như: Sớm ban hành Luật Cấp nước; ban hành chiến lược dài hạn, bền vững cho an ninh nguồn nước cho cả ĐBSCL nhằm ứng phó hiệu quả đối với việc phát triển thượng lưu sông Mê Kông, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

    Kiến nghị với Bộ TNMT xây dựng hệ thống giám sát, dự báo, cảnh báo sớm diễn biến tài nguyên nước cho vùng ĐBSCL. Bộ NN&PTNT đã giúp Kiên Giang đầu tư xây dựng 18 cống ven biển bằng nguồn vốn Trung ương, giai đoạn 2019-2023 với tổng mức đầu tư 1.484 tỷ đồng đã được bố trí vốn trung hạn 2016-2020 là 447 tỷ đồng, còn lại bố trí trong giai đoạn 2021-2023…

    Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đi khảo sát thực tế công trình dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 của Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 - Bộ NN&PTNT tại huyện Châu Thành. 

    Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang .

    Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 - Bộ NN&PTNT cho biết, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có diện tích sử dụng 54,64ha (có 21,12ha long kênh cũ). Tổng mức đầu tư 3.309 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 2.144 tỷ đồng, thiết bị trên 223 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng trên 133 tỷ đồng.

    Dự án có 4 nhiệm vụ chính là kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi rộng 384.120ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản 346.241 ha... Cống Cái Lớn được xây dựng dưới lòng sông Cái Lớn, rộng 470 mét với 11 khoang cống 40 mét và 2 âu thuyền rộng 15 mét, chiều dài âu 130 mét, đi theo 2 chiều ngược nhau.

    Cống Cái Bé xây dựng dưới lòng sông Cái Bé, rộng 85 mét với 2 khoảng 35 mét và âu thuyền rộng 15 mét. Tuyến đê nối từ cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61 dài 5,843km, mặt đê rộng 9 mét. Trên tuyến đê có 3 cầu và 8 cống ngầm… Thời gian thi công (25 tháng), hiện nay dự án cơ bản hoàn thành đóng cọc xử lý nền, hoàn thành bê tông bản đáy của 3/11 khoang cống, gác dầm 5/18 nhịp cầu giao thông…giá trị thực hiện khoảng 520 tỷ đồng (48% khối lượng), thời gian đã thực hiện 8/25 tháng (32%).

    Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã biểu dương sự cố gắng của Bộ NN&PTNT, tỉnh Kiên Giang và Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 đã có tư duy đột phá, sáng tạo. 

    Phó Chủ tịch Quốc hội hy vọng công trình này sẽ giúp ta khởi đầu, giải quyết và “trị thủy” đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như vùng Tây Nam bộ. 

    Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý với tỉnh Kiên Giang các giải pháp ứng phó cùng với các công trình đã được đầu tư xây dựng và đang triển khai hoặc sắp triển khai, trước những thách thức của tình hình nước biển dâng, xâm nhập mặn.

    Trong thời gian tới, Kiên Giang cần phải chuyển đổi ngay sản xuất theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Phó chủ tịch chỉ đạo Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Kiên Giang và Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 cần giám sát để đảm bảo đúng tiến độ thực hiện công trình dự án đầu tư xây dựng hệ thống cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giúp ngọt hóa trong sản xuất nông nghiệp. Khi thực hiện xong giai đoạn 1 của dự án, Bộ NN&PTNT cần triển khai ngay giai đoạn 2 để giúp khu vực các tỉnh trong vùng dự án đảm bảo tốt sản xuất nông nghiệp và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt…
     

    Nguyễn Khôi
    Ý kiến của bạn