Lại xây tượng đài khi dân còn… “chạy ăn” từng bữa

Cộng tác viên
07:52 AM 08/07/2020

Vĩnh Thạnh là một trong ba huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định. Bởi vậy, việc xây dựng công trình tượng đài gần 50 tỷ đồng có là quá lớn?

Tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh có tổng mức đầu tư 48 tỉ đồng đang trong giai đoạn hoàn thành - Ảnh: Thái Thịnh/Tuổi trẻ

Thời gian qua dư luận xôn xao câu chuyện huyện Vĩnh Thạnh - một trong ba huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định, đang xây dựng tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa.

Theo đó, được phê duyệt năm 2019, công trình tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt. Tượng đài xây dựng trên diện tích khuôn viên hơn 3.000 m2 và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngay trong tháng này (tháng 7/2020) để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII trong tháng 8/2020. Tuy vậy, công trình này hiện mới chỉ hoàn thành trên 50% khối lượng công việc.

Khách quan mà nói, Việt Nam không phải là đất nước có văn hóa tượng đài, văn hóa này được du nhập từ các nước  phương tây đặc biệt là từ Pháp. Dưới thời pháp thuộc ở Hà Nội hay các thành phố lớn ở Việt Nam có rất ít tượng và đài tượng niệm. Tượng nữ thần tự do đặt ở Vườn hoa Cửa Nam, Đài tường niệm tại Vườn hoa con cóc trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chúng ta có thêm các tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh một đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và một đặt ở vị trí đối diện Đền Ngọc Sơn trên Bờ Hồ. Và Sau này chúng ta có thêm tượng Đài vua Lý Thái tổ đặt trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tượng đài Lê Nin đặt tại Vườn hoa canh nông do Nước Nga tặng cho Chính phủ Việt Nam. Những tượng đài này được xây dựng với quy mô vừa phải núp mình dưới những bóng cây xanh mát làm cho Hà Nội thêm cổ kính đáng yêu.

Đúng là, tri ân, trân trọng và lưu giữ những giá trị tốt đẹp mà thế hệ đi trước để lại… đó là điều cần thiết. Vấn đề ở chỗ, người ta đua nhau làm tượng đài đến mức trở thành phong trào thì lại là điều đáng để suy ngẫm.

 Không biết vì lý do gì mà người ta cứ thi đua xây tượng đài khắp nơi như vậy? Cấp tỉnh làm tượng đài đã đành, cấp huyện cũng đua nhau làm tượng đài. Nên thực tế, câu chuyện tượng đài ở Vĩnh Thạnh không hề cá biệt.

Gần đây, huyện Yên Định (Thanh Hóa) từng lên phương án cho việc xây tượng đài khoảng 20 tỷ đồng khi đang nợ hơn 50 tỷ không có khả năng trả, đã nhận được nhiều “gạch đá” từ dư luận.

Trước đó, cũng  có  huyện Phước Sơn (một trong những huyện nghèo nhất cả nước của tỉnh Quảng Nam) khởi công xây tượng đài chiến thắng Khâm Đức với kinh phí 14 tỷ đồng. Để có mặt bằng, một quả đồi rộng lớn đã được san lấp, hạ xuống. Công trình do UBND huyện Phước Sơn triển khai, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay, nhiều hạng mục dự án chưa hoàn thành, máy móc, vật liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang…v..v.

Có người dân nói: “Lại tượng đài nữa, dựng tượng khủng làm gì rồi cũng bỏ cho hoang vu không ai chăm sóc bảo dưỡng, trong khi người dân thì nghèo đói. Hết Phước Sơn - Quảng Nam... rồi lại đến Vĩnh Thạnh - Bình Định... Ôi! Dân còn chạy ăn từng bữa các quan ơi...!”  

Có lẽ, Bộ Văn hóa cần sớm có quy hoạch và hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng tượng đài và quảng trường bới đây là việc làm rất tốn kém và đòi hỏi tính nghệ thuật cao. Chất lượng công trình cũng là một vấn đề cần phải quan tâm. Tượng đài và quảng trường là những sản phẩm mang tính lâu dài phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc. Vì vậy không phải địa phương nào cứ xin là duyệt và bố trí vốn cho xây như hiện nay.

Bởi, dù là nguồn tiền nào thì cũng là tiền của nhân dân, đối với một huyện nghèo thì số gần 50 tỷ đồng không phải là nhỏ. Để xây một công trình gây tranh cãi có thể giúp rất nhiều trẻ em được đến trường, cải thiện điện – đường – trường – trạm cho người dân, tạo sinh kế cho bà con Vĩnh Thạnh.

Dân ta còn nghèo, thậm chí còn rất nghèo so với các cường quốc. Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, chưa hẹn ngày “kết thúc” thì những quyết định về đầu tư ngân sách vào đâu, “rót tiền” vào lĩnh vực nào, những dự án, những chương trình nào… đều thực sự rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay.

Tức là, tượng đài, quảng trường… những công việc chỉ nên được xây dựng khi đời sống nhân dân đã hết khó khăn, các địa phương khi đã đủ điện đường, trường trạm, khi địa phương đó hàng năm không phải sống nhờ kinh phí do Chính phủ hỗ trợ, khi đó chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân.

 Lịch sử sẽ thực sự có ý nghĩa khi tương lai nở hoa trên mảnh đất của quá khứ!

Thanh Bình
Ý kiến của bạn
Quảng Ninh lần thứ 6 đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính Quảng Ninh lần thứ 6 đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính

Năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính với kết quả đạt 92,18%. Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cả nước.