Nâng mức giảm trừ gia cảnh từ ngày 1-7-2020: Tạo thuận lợi cho người nộp thuế

Sự kiện
10:00 AM 29/06/2020

Từ ngày 1-7 tới, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 (ngày 2-6-2020) về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ giúp giảm bớt khó khăn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả có xu hướng tăng so với trước đây.

Theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân sẽ được nâng từ 9 triệu đồng hiện nay lên mức 11 triệu đồng/tháng đối với đối tượng nộp thuế, điều chỉnh tăng từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc.

Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh cũ khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 sẽ được xác định lại số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới theo quy định tại Nghị quyết này.

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định mới này, trường hợp cá nhân không có người phụ thuộc thì thu nhập bình quân tháng từ 11 triệu đồng/tháng trở xuống (tương đương 132 triệu đồng/năm) sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân; cá nhân có một người phụ thuộc thì thu nhập bình quân tháng từ 15,4 triệu đồng/tháng trở xuống (tương đương 184,8 triệu đồng/năm) sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân; cá nhân có hai người phụ thuộc thì thu nhập bình quân tháng từ 19,8 triệu đồng/tháng trở xuống (tương đương 237,6 triệu đồng/năm) sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo luật hiện hành, cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương, tiền công theo biểu lũy tiến từng phần 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có một thuế suất tương ứng. Trong đó, thấp nhất là bậc 1 với thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng/tháng thì thuế suất là 5%; cao nhất là bậc 7 với thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng/tháng thì thuế suất ở mức 35%.

Tính toán cho thấy, dự kiến sẽ có hơn 1 triệu người dân đang đóng thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 sẽ không còn phải nộp thuế ở kỳ tính thuế năm 2020. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.

“Nâng mức giảm trừ gia cảnh, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 10.300 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với trước đây", ông Nguyễn Đức Huy đánh giá.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân như trên là cần thiết bởi phù hợp với xu hướng, thông lệ thế giới và với quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân; góp phần bù lại mức trượt giá, cải thiện mức sống của người dân, kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 có những tác động bất lợi đến nhiều mặt của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, với việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, thu từ thuế thuế thu nhập cá nhân nếu giảm cũng chỉ giảm trong ngắn hạn; còn về dài hạn, việc giảm nguồn thu đó sẽ nằm trong túi người dân khiến họ tăng chi tiêu. Chi tiêu tạo ra tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mang lại lợi ích có thể gấp nhiều lần số nguồn thu sụt giảm. Thực tế cho thấy, sau khi nâng mức giảm trừ gia cảnh từ năm 2013, số thu từ sắc thuế này tăng liên tục, năm sau cao hơn so với năm trước.

Về phía người nộp thuế, chị Nguyễn Thị Hoa (chung cư An Bình City, quận Bắc Từ Liêm) cho rằng: "Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân là phù hợp với xu thế phát triển và đời sống đang ngày một khấm khá của đại đa số người dân. Với sự điều chỉnh mức giảm trừ này, do tôi có thu nhập xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng lại có hai người phụ thuộc nên sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Qua đó, cũng bớt khó khăn hơn do công việc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19".

Dự kiến sẽ có hơn 1 triệu người dân đang đóng thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 (thu nhập tính thuế là 5 triệu đồng/tháng) sẽ không còn phải nộp thuế ở kỳ tính thuế năm 2020.

Thanh Hương
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.