Ngành Tài chính phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023

Tài chính - Đầu tư
02:02 PM 13/07/2023

Dự báo trong nửa cuối năm 2023 tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, ngành Tài chính phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023.

Sáng 13/7/2023, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, các đề án; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính – NSNN. Bộ đã trình Quốc hội thông qua Luật giá (sửa đổi), hoàn thành 16/26 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 05 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung trong quá trình điều hành.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật Giá; nghị quyết giảm 2% GTGT. Cùng với đó, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định gia hạn thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023; gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe được sản xuất, lắp ráp trong nước. 

Những kết quả tích cực của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đánh giá cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi chí của DN; đang tổng hợp ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023.

Bộ Tài chính cho biết, dự kiến quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng.

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt gần 876 nghìn tỷ đồng

6 tháng đầu năm tổng thu ngân sách toàn ngành đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán, trong đó thu ngân sách trung ương đạt 57,1% dự toán và thu ngân sách địa phương đạt 50,6% dự toán. Trong số này, riêng thu nội địa đạt 53,9% dự toán; thu từ dầu thô đạt 72,9% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 52,9% dự toán...

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song do những khó khăn của nền kinh tế, thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2022 khoảng 7,8%, trong đó thu nội địa giảm 4,7%; thu từ dầu thô giảm 15%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 20,6%.

Bộ Tài chính cho biết đã rà soát các nguồn thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Về chi NSNN, trong 6 tháng đầu năm ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 29,7% dự toán Quốc hội quyết định, cao hơn 43,4% (65,2 nghìn tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022; chi trả nợ lãi ước đạt 49,5% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 45,8% dự toán.

Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đánh giá cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Lũy kế đến ngày 30/6/2023, đã thực hiện phát hành 179,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm.

Công tác quản lý, điều hành giá trong 6 tháng đầu năm bám sát theo đúng kịch bản điều hành giá đã đề ra; giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, bình quân 6 tháng CPI tăng 3,29% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 4,74%. 

Đối với thị trường chứng khoán, diễn biến thị trường chứng khoán có xu hướng hồi phục. Tính đến hết ngày 30/6/2023, VNIndex đạt 1.120,18 điểm, tăng 11,2% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế.

Đặc biệt, kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực, khối lượng phát hành là 33,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 97,4% khối lượng kể từ đầu năm 2023. Dư nợ trái phiếu DN tại thời điểm 30/6/2023 khoảng 1,03 triệu tỷ đồng, chiếm 10,8% GDP năm 2022, bằng 8,4% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Trong khi đó, về thị trường bảo hiểm, vượt qua những khó khăn của thị trường, tổng doanh thu phí ước đạt khoảng 117 nghìn tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 868,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2%. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 725,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,76% và thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1%.

Nhiều thách thức trong 6 tháng cuối năm

Dự báo trong nửa cuối năm 2023 tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023, Bộ Tài chính đề ra các giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN, kiểm soát chặt chẽ bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế; Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán; Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Cùng với đó, tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm dự toán thu NSNN; nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công; chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2024-2026...

Mai Phương
Ý kiến của bạn
Lo ngại giá cà phê tăng cao gây đứt gãy chuỗi cung ứng Lo ngại giá cà phê tăng cao gây đứt gãy chuỗi cung ứng

Giá cà phê những ngày đầu tháng 5 đã đạt mức cao kỷ lục, trên 131.000 đồng/kg. Đây là niềm vui cho người trồng cà phê nhưng lại là áp lực cho doanh nghiệp thu mua và gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.