Ngày 27/7: Thấm thía giá trị của độc lập, tự do!

Sự kiện
07:00 AM 27/07/2020

Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

    Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những hậu quả và dư âm của nó còn sót lại vẫn rất lớn lao và khốc liệt, ghi dấu mãi mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam.

    Một con số thống kê cho thấy, qua các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cả nước ta có hơn 9 triệu người có công với cách mạng, gần 1,2 triệu người con ưu tú anh dũng hy sinh; trên 800.000 người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường; hàng trăm ngàn người bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, bị nhiễm chất độc hóa học; trên 140.000 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” và hàng ngàn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động.

    Qủa thật, đất nước hòa bình, không có niềm vui nào bằng ngày trở về, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng khi những người thân yêu nhất mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại.

    Cũng như, quá khứ không chỉ hữu ích cho ngày hôm nay thông qua những bài học lịch sử xương máu, mà quan trọng hơn, nếu quên đi quá khứ, quên đi những người đã nằm xuống, thì cuộc sống hôm nay cũng không còn xứng đáng, không còn ý nghĩa.

    Còn nhớ, trong Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Thương binh là những người hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

    Bác Hồ từng viết: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng, và Người giải thích: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.

    Thấm nhuần tư tưởng của Bác, trong suốt 73 năm qua, Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến việc ban hành các chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng và dành riêng một khoản trong ngân sách nhà nước để thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.

    Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đẩy mạnh; các chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Áo ấm tặng thương binh, bệnh binh nặng”, “Áo lụa tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng”… được duy trì, phát triển rộng khắp ở các địa phương; việc hỗ trợ nhà ở cho người có công và giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng được chú trọng..v..v.

    Tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu gồm 300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện 140.000 mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước ngày 24/7 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Những hy sinh thầm lặng, vô cùng to lớn, cao cả và thiêng liêng của các Mẹ đã tôn thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà chính các Mẹ đang ngồi đây là những minh chứng sống. Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn khắc ghi những công ơn to lớn của các anh hùng liệt sỹ, của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, của những người thương binh, bệnh binh và người có công với đất nước…”.

    Đúng là, không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe doạ, của cải, ruộng nương làng mạc bị xâm chiếm thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả.

    Mỗi một thân xác nằm xuống, mỗi một phần thi thể mất đi là một ánh hào quang soi sáng hơn con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đó là những dòng chữ bằng vàng khắc sâu vào lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.

    Chính vì vậy, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất Tổ quốc, chúng ta kiên quyết bảo vệ những gì đã giành được, nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, để con cháu chúng ta, các thế hệ mai sau được sống trong hòa bình, thống nhất, ổn định và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

    Sông Hàn
    Ý kiến của bạn