Nhật Bản: Công nghệ lão hóa rượu vang dưới đáy biển kỳ vọng vực dậy nền kinh tế địa phương

Quốc tế
10:50 AM 15/02/2024

Một doanh nghiệp ở Tokyo kỳ vọng, quá trình lão hóa rượu dưới đáy biển ngoài khơi đảo Amami-Oshima ở tỉnh Kagoshima, vùng tây nam Nhật Bản, sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế địa phương.

Quá trình ủ rượu dưới nước được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới, vì điều kiện ngập nước mang lại nhiệt độ phù hợp và tương đối mát mẻ, áp suất cao hơn và không có ánh sáng quá mức, thích hợp để rượu "chín" một cách tự nhiên.

Những chai rượu vang đang được nhấn chìm ở eo biển Oshima ngoài khơi thị trấn Setouchi, tỉnh Kagoshima

Những chai rượu vang đang được nhấn chìm ở eo biển Oshima ngoài khơi thị trấn Setouchi, tỉnh Kagoshima

Nhưng theo Yui Moritani (38 tuổi), Chủ tịch một doanh nghiệp ở Thủ đô Tokyo, người khởi xướng dự án mới cho biết, quá trình này "hiếm khi được thực hiện ở Nhật Bản".

Vào cuối tháng 1/2024, khoảng 500 chai rượu vang châu Âu trong lồng thép không gỉ đã được hạ xuống đáy biển ở độ sâu khoảng 20m ngoài khơi thị trấn Setouchi ở phía Nam của hòn đảo.

Một thợ lặn cho biết, nước trong khu vực này ấm hơn nhiệt độ quy định để lão hóa rượu vang, nhiệt độ đo được ngày 30/1 là 21 độ C, nhờ đó những chai rượu có thể lão hóa nhanh hơn. Tuy nhiên, thách thức quan trọng nhất là không biết rượu vang có thể "vượt qua" được mùa hè trong nước ấm hay không.

Những chai rượu trong lồng đặt dưới đáy biển ở eo biển Oshima ngoài khơi thị trấn Setouchi, tỉnh Kagoshima

Những chai rượu trong lồng đặt dưới đáy biển ở eo biển Oshima ngoài khơi thị trấn Setouchi, tỉnh Kagoshima

Hầu hết các chai rượu được ủ trong đợt này sẽ ngâm tới tháng 6 và phục vụ thực khách vào tháng 7. Một số chai sẽ được ủ lâu hơn để tìm ra mốc thời gian phù hợp cho hương vị tối ưu.

Công ty cũng có kế hoạch sẽ cung cấp dịch vụ lão hóa dưới nước cho các chai rượu mà khách hàng mang tới.

Moritani kỳ vọng, dự án ủ rượu dưới biển sẽ cải thiện môi trường với lồng rượu dưới nước như một rạng san hô nhân tạo, có thể thu hút cá và tạo ra hàng rào rong biển hấp thụ CO2.

An Mai (Theo Kyodo)
Ý kiến của bạn