Sẵn sàng đón làn sóng FDI lần thứ tư

Tài chính - Đầu tư
09:51 AM 16/02/2024

Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 sẽ là bệ phóng vững chắc, tạo tiền đề thuận lợi cho thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2024. Dự báo năm 2024 sẽ là một năm đột phá về thu hút FDI, Việt Nam sẽ bắt đầu đón làn sóng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần thứ 4.

Trong làn sóng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam những năm gần đây, có rất nhiều "đại bàng" đến lót ổ, như Toyota, Honda, Canon, Panasonic, Sony, (Nhật Bản); Samsung, LG, Lotte, Hyundai, Daewoo (Hàn Quốc); Singtel, Sembcorp, Ascendas, Frasers Property (Singapore); Huawei, Xiaomi, Alibaba, Tencent (Trung Quốc); Foxconn, Formosa, Pegatron (Đài Loan). Walmart, Starbucks, McDonald's, với chuỗi siêu thị, cửa hàng cà phê và cửa hàng thức ăn nhanh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước; Cargill, Archer Daniels Midland, với nhiều dự án nông nghiệp, thủy sản…

Sẵn sàng đón làn sóng FDI lần thứ tư- Ảnh 1.

Năm 2023, Việt Nam là điểm sáng thu hút FDI toàn cầu, nguồn ảnh Internet

Từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987) đến nay đã diễn ra ba làn sóng FDI.

Làn sóng FDI thứ nhất: Thời kỳ 1988 - 1990, FDI chưa tác động rõ rệt đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Từ năm 1991 đến năm 1997 đã diễn ra làn sóng FDI thứ nhất với vốn đăng ký 16,244 tỷ USD, vốn thực hiện 12,98 tỷ USD. Năm 1997, vốn FDI thực hiện đạt 3,115 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991 (328,8 triệu USD).

Làn sóng FDI thứ hai: Diễn ra từ năm 2005. Sau thời kỳ suy thoái FDI trong giai đoạn 1998 - 2004 do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, năm 2005 mở đầu làn sóng FDI thứ hai với vốn đăng ký 6,839 tỷ USD, vốn thực hiện 3,3 tỷ USD; các con số tương ứng của năm 2006 là 12 tỷ USD và 4,1 tỷ USD; năm 2007 là 21,34 tỷ USD và 8,13 tỷ USD; năm 2008 là 64 tỷ USD (đã được điều chỉnh) và 11,5 tỷ USD. Từ năm 2009 đến năm 2014, vốn FDI vào Việt Nam không thay đổi nhiều so với thời kỳ 2005 - 2008, vốn thực hiện hàng năm từ 11 đến 12 tỷ USD.

Làn sóng FDI thứ ba: Khởi đầu từ năm 2015 với nhiều thành quả rất ấn tượng. Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng còn nhiều khó khăn, hoạt động thu hút vốn(FDI là điểm sáng đáng chú ý. Việt Nam là điểm sáng thu hút FDI toàn cầu. Thu hút FDI vào Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng, 11 tháng năm 2023, tổng số vốn 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là nhờ môi trường đầu tư được giữ vững ổn định và hấp dẫn, cũng như việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược với nhiều quốc gia kỳ vọng mở ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. 

Đầu năm 2023, hơn 200 doanh nghiệp Hà Lan đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội kinh doanh thông qua 30 hội thảo xúc tiến đầu tư. Trung tuần tháng 6, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc sang Việt Nam, hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu như Samsung, LG, SK, Hyundai Motor, Lotte… đã tiếp cận thị trường. Sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam vào ngày 10/9 với đoàn doanh nghiệp công nghệ tháp tùng có thương hiệu nổi tiếng, đầy tiềm lực tài chính như Intel, Marvell… để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI lần thứ tư- Ảnh 2.

Tình hình thu hút vốn FDI tại một số địa phương (Tỷ USD), tính tới tháng 11/2023, nguồn Tổng cục thống kê.

Kết quả này không chỉ tạo nền tảng quan trọng để dòng vốn ngoại tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong năm 2024 mà còn mở ra kỳ vọng về làn sóng FDI thứ tư của thế giới vào Việt Nam.

Tuy nhiên để điều này trở thành hiện thực, công việc trước mắt và lâu dài còn lớn, nhất là trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng; nhiều quốc gia cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài; các tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao.

Hơn nữa, cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, một số nước từ khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia với nguồn lực tốt hơn, có chính sách giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài... Trong khi đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam còn một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp; các ngành cần ưu tiên thu hút, tạo sự phát triển đột phá như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng chưa có cơ chế tương xứng để thu hút đầu tư...

Sẵn sàng đón làn sóng FDI lần thứ tư- Ảnh 3.

Tỉnh Thái Bình trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG cho liên danh Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden (Nhật Bản) và Tập đoàn Trường Thành (Việt Nam).

Để chủ động thu hút làn sóng đầu tư FDI lần thứ tư, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp.

Cải thiện môi trường kinh doanh: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc giảm bớt các thủ tục hành chính (nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, hải quan), làm giảm rủi ro, và tăng tính minh bạch và dự đoán trong quy trình đầu tư.

Phát triển hạ tầng: Đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng và các cơ sở hạ tầng khác để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Đào tạo lao động chất lượng cao: Tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng lao động Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có nhu cầu cao về công nghệ và kỹ thuật; đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư.

Chính sách tài chính và ưu đãi: Điều chỉnh chính sách thuế và khuyến mãi để thu hút FDI, bao gồm việc cung cấp các khoản hỗ trợ thuế và ưu đãi khác nhau cho các dự án đầu tư. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, như: Năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá liên quan đến các chính sách về tài chính, chứng khoán, tiền tệ.

Tăng cường quảng bá và tiếp thị: Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và tiếp thị để làm nổi bật hơn hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu, giới thiệu tiềm năng và lợi ích của việc đầu tư tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Xây dựng các khu công nghiệp và khu kinh tế đặc biệt: Phát triển các khu công nghiệp và khu kinh tế đặc biệt với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và các tiện ích hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và sản xuất của các doanh nghiệp FDI.

Tăng cường hợp tác quốc tế: Mở rộng hợp tác quốc tế và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại và đầu tư đa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Châu Nguyên
Ý kiến của bạn
Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách

Trong ngày hôm nay (1/5), ngày cuối của dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, theo thống kê của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hai sân bay lớn nhất cả nước dự kiến đón khoảng hơn 200.000 lượt hành khách thông qua cảng.