Sóc Sơn định hướng trở thành một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của Hà Nội

Địa phương
09:20 AM 21/10/2023

Trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cụm du lịch núi Sóc - hồ Đồng Quan được xác định là một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của thành phố với các sản phẩm: Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch thể thao...

Sóc Sơn là huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 30km, có nhiều lợi thế về mặt địa lý, là đầu mối giao thông quan trọng của Quốc gia và Vùng Thủ đô Hà Nội. Nơi đây giữ một vị trí chiến lược trọng yếu trong hành lang kinh tế Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Quảng Ninh, Hà Nội – Côn Minh – Trung Quốc có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng hiện đại hoá.

Huyện Sóc Sơn có sự đa dạng về địa hình với hệ thống đồi, núi, hồ, rừng rộng lớn, nằm xen kẽ nhau tạo thành cảnh quan thiên nhiên rất phong phú. Điều đó giúp Sóc Sơn có nhiều điểm đến nổi tiếng như: Núi Sóc, núi Đôi, hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò, hồ Hàm Lợn với tổng diện tích mặt nước lên đến hàng nghìn ha.

Sóc Sơn định hướng trở thành một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của Hà Nội - Ảnh 1.

Sóc Sơn có có 341 di tích lịch sử văn hóa và nơi thờ tự với 174 lễ hội được tổ chức hàng năm.

Sóc Sơn là điểm đến rất giàu tài nguyên đặc sắc, riêng biệt với hệ thống các di tích văn hóa, thắng cảnh, lễ hội nổi tiếng. Theo thống kê, trên toàn huyện có có 341 di tích lịch sử văn hóa và nơi thờ tự với 174 lễ hội được tổ chức hàng năm. Trong đó có 1 di tích được xếp hạng Quốc gia đặc biệt (đền Sóc), 16 di tích xếp hạng Quốc gia, 54 di tích được xếp hạng thành phố; 1 di sản văn hóa phi vật thể thế giới (Lễ hội Gióng - đền Sóc); 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Lễ hội kéo mỏ - Xã Xuân Thu).

Sóc Sơn định hướng trở thành một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của Hà Nội - Ảnh 2.

Du lịch tâm linh là mộ trong ba thế mạnh phát triển của du lịch Sóc Sơn

Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Trần Kiên cho biết, trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cụm du lịch núi Sóc - hồ Đồng Quan được xác định là một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của thành phố với các sản phẩm: Du lịch tâm linh gắn với hội Gióng và hệ thống đền chùa, các công trình tôn giáo; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần gắn với hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò...; du lịch thể thao, vui chơi giải trí, trường đua ngựa Sóc Sơn.

Hiện nay, huyện có 204 cơ sở lưu trú với tổng số 1.454 phòng. Dự kiến, quy mô đến năm 2030 sẽ đạt 5.000 buồng phòng. Năm 2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đến Sóc Sơn đạt 950.000 đến 1 triệu lượt.

Không chỉ xây dựng du lịch tâm linh là sản phẩm du lịch thế mạnh tại địa phương, Sóc Sơn còn rất chú trọng khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch trải nghiệm… trong mối liên kết với các quận, huyện và các tỉnh, thành phố lân cận để Sóc Sơn sớm trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, xứng tầm là "không gian du lịch" của Thủ đô theo quy hoạch phát triển du lịch của TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Sóc Sơn định hướng trở thành một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của Hà Nội - Ảnh 3.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu.

Phát biểu tại Hội nghị "Nâng cấp chất lượng du lịch và kết nối điểm du lịch huyện Sóc Sơn với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội", Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu đánh giá, Sóc Sơn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế trở thành trọng điểm du lịch ở phía Bắc Thủ đô. Sản phẩm du lịch tại đây đã có sự phong phú về số lượng và loại hình. Ngoài du lịch văn hóa tâm linh, Sóc Sơn đã có thêm các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch thể thao (chơi golf, các giải thi đấu thể thao như: giải chạy Ultra Trail, đua xe địa hình...), vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần...

Ngoài du lịch văn hóa tâm linh, Sóc Sơn đã có thêm các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch thể thao (chơi golf, giải chạy Ultra Trail, đua xe địa hình...). Bên cạnh đó, Sóc Sơn cũng có một số tour liên kết hấp dẫn là: Tour di tích đền Sóc - chùa Non - Tượng đài Thánh Gióng - Việt Phủ Thành Chương; tour di tích đền Sóc - sân golf Minh Trí; tour di tích đền Sóc - sân golf Legend hill.

"Với lợi thế gần sân bay quốc tế Nội Bài, Sóc Sơn có thể trở thành điểm lưu trú và trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế" – ông Hiếu nhận định.

Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch tại địa phương, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Sóc Sơn Trần Kiên cho biết, trong thời gian sắp tới, lãnh đạo huyện Sóc Sơn sẽ chú trọng phát triển 4 loại sản phẩm du lịch đặc thù, bao gồm: Du lịch văn hoá tâm linh, Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, chăm sóc sức khoẻ, Du lịch thể thao và vui chơi giải trí, Du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng.

Trong đó, định hướng lấy khu vực núi Sóc làm hạt nhân của các hoạt động du lịch. Khu vực Đền Sóc kết hợp với các công trình văn hóa lịch sử trên toàn huyện tạo thành mạng lưới du lịch hấp dẫn. Xây dựng hệ thống các điểm du lịch, vui chơi, giải trí thành chuỗi các hoạt động trên cơ sở khai thác hiệu quả 3200 ha rừng và khoảng 30 hồ, đầm lớn trên địa bàn.

"Đặc biệt, huyện sẽ tổ chức rà soát thế mạnh của từng địa phương để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có tính hấp dẫn riêng. Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm mang thương hiệu địa phương. Đẩy mạnh tính gắn kết giữa các địa phương. Quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Phát triển các mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái" – ông Kiên nhấn mạnh.

Sóc Sơn định hướng trở thành một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của Hà Nội - Ảnh 4.

Du khách thích thú với đàn chim bồ câu tại đền Sóc

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh du lịch, ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Travelogy cho rằng, bên cạnh phát triển du lịch tâm linh, Sóc Sơn có thể đẩy mạnh phát triển du lịch chữa lành, du lịch sinh thái, hình thành sản phẩm "từ nông trại đến bàn ăn".

Tuy có nhiều thuận lợi nhưng du lịch Sóc Sơn vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc. Sản phẩm du lịch chủ yếu chỉ mới tập trung ở du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa. Các khu di tích, văn hóa hiện nay chưa được đầu tư nâng cấp đặc biệt là phần hạ tầng dịch vụ du lịch. Dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch; do đó phần lớn khách du lịch là khách tham quan trong ngày. Tiến độ thực hiện các dự án phát triển sản phẩm du lịch có quy mô lớn như dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa, khu Trường quay ngoài trời, khu I, khu III Khu du lịch sinh thái, văn hóa nghỉ ngơi cuối tuần Sóc Sơn; khu du lịch Thung Lũng Xanh, làng du lịch sinh thái Gia Nông… còn chậm.

Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch của huyện Sóc Sơn còn chưa được quan tâm đầu tư, chưa có hệ thống khách sạn cao cấp, công viên vui chơi giải trí chuyên đề dẫn đến khó thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch có chi tiêu cao.

Tư duy, nhận thức, thái độ phục vụ của một bộ phận người lao động, cộng đồng dân cư hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế, thiếu các đơn vị lữ hành, đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp.

Theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, những khó khăn trên bắt đầu từ guyên nhân: Tiến độ công tác lập quy hoạch của huyện (quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch rừng…) còn chưa đạt yêu cầu đề ra, dẫn đến việc thu hút các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu các cơ chế, chính sách, đề án đột phá nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong phát triển du lịch trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đội ngũ nhân lực du lịch làm việc trong lĩnh vực du lịch còn chưa được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bài bản, thường xuyên.

Sóc Sơn định hướng trở thành một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của Hà Nội - Ảnh 5.

Nhiều cơ sở lưu trú có chất lượng cao tại Sóc Sơn.

Nhìn được những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, huyện Sóc Sơn định hướng phát triển du lịch chủ đạo trên địa bàn huyện tập trung vào 3 nhóm sản phẩm chính là Du lịch văn hóa tâm linh tại khu vực núi Sóc (di tích Đền Sóc); Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực Hồ Đồng Quan, Hồ Đồng Đò; Du lịch vui chơi, giải trí gắn với Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa, khu Trường quay ngoài trời, Khu du lịch VCGT tổng hợp công viên hồ Lai Cách. Bên cạnh đó, Sở Du lịch đề nghị huyện quan tâm, dành quỹ đất quy hoạch, xây dựng phát triển 2 nhóm sản phẩm du lịch mới rất tiềm năng: nhóm sản phẩm du lịch thể thao gắn với hệ thống sân golf và Tổ hợp vui chơi giải trí Trường đua ngựa; nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, OUTLET gắn với khu vực sân bay quốc tế Nội Bài.

Huyện xác định khu vực điểm du lịch di tích Đền Sóc (Khu IV) sẽ là khu vực trung tâm trong tổng thể du lịch của huyện, là động lực kết nối, lan tỏa đến các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn

Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Sóc Sơn trong công tác xây dựng hoàn thiện Đề án kêu gọi, thu hút hoạt động đầu tư vào khu vực được quy hoạch xây dựng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, thái độ phục vụ khách du lịch đối với cán bộ, lực lượng lao động du lịch, cộng đồng dân cư trên địa bàn bàn; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch trên địa bàn; chỉ đạo, vận động các đơn vị kinh doanh lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện.

Thanh Thủy
Ý kiến của bạn
Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thanh tra, kiểm tra thị trường vàng Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thanh tra, kiểm tra thị trường vàng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.