Tái hiện nghi lễ “thỉnh kinh, rước nước” 3 năm mới có 1 lần

Địa phương
10:45 PM 15/04/2024

Từ ngày 20 - 23/4/2024 (tức ngày 12 - 15/3 âm lịch), tại Khu di tích đình - đền Bổng Điền (xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) tổ chức lễ hội truyền thống Bổng Điền năm 2024. Đặc biệt trong lễ hội năm nay, xã Tân Lập sẽ tổ chức nghi lễ “thỉnh kinh, rước nước” 3 năm mới có 1 lần.

Đoàn rước nước đi trên đên ra đến bến sông Hồng

Lễ hội Bổng Điền năm nay, không chỉ tổ chức hoạt động tế, lễ truyền thống, đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và khai mạc giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP huyện Vũ Thư, mà trong ngày hội người dân làng Bổng Điền sẽ làm lễ rước nước trên sông Hồng để tưởng nhớ về cuộc đời của Đức Thánh Mẫu nữ tướng Quế Hoa và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa cho dân làng gặp nhiều điều may mắn.

Tái hiện nghi lễ “thỉnh kinh, rước nước” 3 năm mới có 1 lần- Ảnh 1.

Đoàn rước nước đi trên đên ra đến bến sông Hồng (Ảnh tư liệu)

Lễ rước nước có 6 cỗ kiệu rước, với đội khiêng kiệu đều là những thanh niên trai tráng trong làng. Để tiến hành rước kiệu, trước ngày hội dân làng phải chọn những người khiêng kiệu là thanh niên trai tráng có sức khỏe tốt, cao lớn, bản thân và gia đình thanh sạch có uy tín trong làng. Họ được tập luyện để công việc rước kiệu được thành thục và chu đáo.

Tái hiện nghi lễ “thỉnh kinh, rước nước” 3 năm mới có 1 lần- Ảnh 2.

Đoàn thuyền ra ngã ba sông Hồng rước nước thiêng về (Ảnh tư liệu)

Ngay khi bát hương được Thủ nhang và chủ tế rước từ trong cung cấm ra ngoài đặt lên ngai kiệu. Đúng 9 giờ sáng ngày 21/4/2024 (13/3 âm lịch), đoàn rước nước sẽ xuất phát từ Khu di tích đình - đền Bổng Điền, trống dong cờ mở tiến ra bến sông Hồng, quãng đường khoảng 3 km. Đi đầu đoàn rước là cờ thần, trống chiêng, bát âm, bát bửu, chấp kích, kiệu phật đình, kiệu võng, điển nghi nam, điển nghi nữ, kiệu long đình, kiệu bát cống, kiệu hậu bành, theo sau là nhân dân và du khách thập phương.

Tái hiện nghi lễ “thỉnh kinh, rước nước” 3 năm mới có 1 lần- Ảnh 3.

Nghi lễ cúng Hà Bá trên sông Hồng (Ảnh tư liệu)

6 kiệu được rước ra bến sông nhưng chỉ có một kiệu ra giữa dòng thỉnh kinh và lấy nước. Dọc đường đi có kiệu nghiêng ngả, kiệu đung đưa, kiệu lại quay tứ phía rồi lao vun vút. Mất chừng gần 1 tiếng đoàn ra đến bến sông, kiệu đầu tiên lên phà cử hành các nghi lễ lấy nước, 5 kiệu còn lại chờ sau khi lấy được nước rước về đình dâng lên thần thánh. Ban tổ chức bố trí phà chở kiệu và 25 người gồm: sư thầy, tín đồ phật tử, lễ nghi, vật dụng đựng nước, vừa đi vừa tụ kinh, cầu khấn. Phà ra đến ngã ba sông thì dừng lại, lúc này sư thầy làm các nghi thức cuối cùng và nước cũng được lấy tại đây. Sông Hông nước đỏ phù sa là vậy, thế nhưng nước lấy được thì lại rất trong, thể hiện sự linh thiêng của đất trời, sông nước.

Tái hiện nghi lễ “thỉnh kinh, rước nước” 3 năm mới có 1 lần- Ảnh 4.

Toàn cảnh lễ rước nước trên sông Hồng tại lễ hội Bổng Điền (Ảnh tư liệu)

Lễ hội Bổng Điền là dịp để cho người dân trong làng trở về đoàn tụ, một lòng thành kính tổ tiên, tưởng nhớ những vị anh hùng đã có công với dân với nước. Nghi lễ rước nước với đoàn rước kéo dài trên đê sông Hồng sẽ tạo nên khung cảnh tráng lệ, nhộn nhịp đông vui trong đời sống làng xã.

Đến nay, nghi lễ "rước nước, thỉnh kinh" đã trở thành nghi thức truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Bổng Điền, vẫn được cư dân nơi đây kế thừa duy trì, phát huy những giá trị văn hóa lịch sử và ý nghĩa giáo dục truyền thống trong sự gắn bó của người dân ở nơi đây.

Thành Trung
Ý kiến của bạn