Thái Nguyên: Đẩy mạnh cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Địa phương
10:41 AM 06/05/2024

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), thời gian qua Chi Cục kiểm lâm Thái Nguyên đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực triển khai cấp chứng chỉ rừng bền vững trên địa bàn toàn tỉnh, bước đầu đã mang lại những tín hiệu khả quan.

FSC là chứng chỉ được cấp cho các chủ rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội và người dân địa phương.

Thái Nguyên: Đẩy mạnh cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững- Ảnh 1.

Ông Lê Cẩm Long, Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: Khi người trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ mang lại lợi ích lâu dài, đảm bảo hệ sinh thái của rừng trồng, người trồng rừng được doanh nghiệp tư vấn về kỹ thuật, quá trình chăm sóc, theo dõi sự phát triển của rừng. Đặc biệt doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm gỗ cao hơn giá thị trường.

Với những lợi ích mà chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC mang lại, đa số các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đồng loạt hưởng ứng tham gia triển khai thực hiện đánh giá cấp chứng chỉ FSC, đến nay tổng diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững FCS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là 3.745,09 ha. Năm 2023 có 5/9 Hạt Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã rà soát được 11.995,78 ha để hướng dẫn các chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. 

Tại huyện Đồng Hỷ diện tích đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 892,19 ha (nâng tổng diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn huyện là 2.224,09 ha với số hộ gia đình tham gia 851 hộ), huyện Đại Từ, tổ chức GFA đã đánh giá xong các tiêu chí và cấp chứng chỉ rừng FSC tại 3 xã Yên Lãng, Minh Tiến và Đức Lương với diện tích 1.521 ha trong tháng 01/2024.

Trong quá trình xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, các chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự phối hợp của các đơn vị liên quan, sự ủng hộ của chính quyền và cộng đồng địa phương.

Các tiêu chí để được cấp chứng chỉ rừng của các nhóm hộ đều đạt các chỉ số cho phép, đồng thời quá trình lập hồ sơ thẩm định đánh giá và tham vấn quốc tế, Nhóm hộ được cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của UBND huyện, UBND xã, sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong việc thiết lập hồ sơ, trình duyệt, đánh giá và tổ chức tham vấn quốc tế đã tạo hành lang pháp lý, khuyến khích nhóm hộ tham gia cấp chứng chỉ rừng. Dự kiến đến hết quý II năm 2024 có khoảng 1.500 ha rừng trồng tại huyện Đại Từ, 5.600 ha rừng trồng tại huyện Phú Lương sẽ thực hiện cấp chứng chỉ FSC. 

Công tác phát triển rừng bền vững, thực hiện chứng chỉ rừng bền vững dự kiến sẽ mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân trồng rừng. Trong quá trình triển khai thực hiện các hạt kiểm lâm đã tổ chức tuyên truyền đến các hộ dân là chủ rừng, tuy nhiên vẫn còn một số chủ rừng e ngại khi tham gia đánh giá chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Ông Lê Cẩm Long cho biết thêm: Việc các hộ dân tham gia trồng rừng để được cấp chứng chỉ rừng FSC là những cách tiếp cận mới nên bước đầu khi thu thập các tài liệu của cá nhân hộ gia đình như: quyền sở hữu sử dụng đất, đối tượng rừng để điều tra... chưa được cung cấp thông tin một cách đầy đủ, thống nhất đã gây tâm lý lo ngại đối với các hộ dân, có thời điểm người dân không mặn mà, ngại đăng ký tham gia; trong quá trình tham gia việc trồng, chăm sóc và phát triển rừng theo tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tất yếu sẽ gặp nhiều khó khăn vì phải tuân thủ theo các quy trình, quy chuẩn quy định, trong khi người dân đã quen với kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng theo phương pháp truyền thống.

Trong quá trình xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững, dữ liệu bản đồ đo đạc địa chính ở một số địa phương vừa thiếu vừa có sự sai lệch giữa số liệu và bản đồ. Ranh giới giữa bản đồ và trên thực địa một số diện tích còn chưa rõ ràng, có sự xen kẹp diện tích rừng trồng, đất nông nghiệp, nhà ở của người dân, đường giao thông… nằm trong diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, trong đó một số diện tích đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững.

Quang Hưng
Ý kiến của bạn