Thanh Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch

Địa phương
01:05 PM 10/05/2024

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu giúp du lịch bứt phá và phát triển bền vững, thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động du lịch nhằm đem lại những thuận lợi và trải nghiệm mới cho du khách.

Sở hữu nhiều lợi thế với đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… ngành Du lịch tỉnh Thanh Hóa xác định tầm quan trọng của Chuyển đổi số trong nâng cao văn hóa, văn minh trong du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, tiếp thị xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch đặc trưng của Thanh Hóa nhằm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch- Ảnh 1.

Thành nhà Hồ Vĩnh Lộc Thanh Hoá là kinh đô cũ của Việt Nam.

Hiện nay, công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của tỉnh đang thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch một cách mạnh mẽ, với kho dữ liệu thông tin du lịch thông minh, đa dạng, như: Thông tin về các khu, điểm du lịch; thông tin sự kiện du lịch; doanh nghiệp lữ hành; nhà hàng; cơ sở lưu trú du lịch; hiển thị vị trí của các cây ATM; các điểm vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch...

Tại các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch... trên địa bàn tỉnh đều thực hiện ứng dụng những nền tảng công nghệ thông minh, các trang mạng xã hội để quảng bá và phục vụ du khách thuận tiện, hiệu quả hơn. Nhờ công nghệ số, liên thông dữ liệu thống kê du lịch mà các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp có được tệp dữ liệu lớn về khách hàng, giúp các doanh nghiệp dễ dàng phân tích được thị trường du lịch - dịch vụ.

Thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã lắp đặt tại mỗi điểm di tích một Maker, tích hợp mã QR Code. Khi du khách tải ứng dụng từ App và cài đặt, quét mã QR, có thể cập nhật ngay các thông tin liên quan đến di tích. Cùng với đó, Thành nhà Hồ còn triển khai xây dựng ứng dụng tham quan di sản tự động 3D trên website http//www.thanhnhaho.vn... 

Chương trình giới thiệu tổng quát về các giá trị nổi bật của di sản thành nhà Hồ, trong đó nhấn mạnh giá trị nổi bật của cả khu vực lõi và khu vực đệm của di sản. Khi du khách truy cập chương trình, có thể tìm hiểu, cập nhật mọi thông tin về di sản và các di tích phụ cận. Với việc xây dựng chương trình này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số ở lĩnh vực quản lý và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là hoạt động du lịch.

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thọ Xuân là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2023, lượng khách đến Lam Kinh là hơn 290 ngàn lượt người. Từ đầu năm đến nay, Lam Kinh đón trên 120 ngàn lượt khách. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách có thể truy cập, tra cứu các thông tin tại các điểm du lịch, ban quản lý di tích đã áp dụng nhiều biện pháp chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. 

Ban quản lý di tích đã xây dựng trang Web riêng, đăng tải các thông tin, hình ảnh, video clip… liên quan đến Khu di tích lên nền tảng internet. Thông qua trang Web này, du khách có thể tìm hiểu thông tin về khu di tích, đặt vé tham quan từ trước.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch- Ảnh 2.

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thọ Xuân là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa.

Với ứng dụng MobiFone Smart Travel, du khách tham quan có thể nắm những thông tin cơ bản về điểm di tích Lam Kinh với những hình ảnh được tái hiện sinh động, hoàn chỉnh và sẵn sàng trên các kho ứng dụng của Apple Stone, Google Play Store. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, du khách có thể tìm kiếm, lựa chọn và trải nghiệm không gian ảo của khu di tích.

Nếu lượng du khách đến tham quan tại khu di tích đông, 20 điểm thuyết minh tự động được lắp đặt tại nhiều khu vực sẽ như những hướng dẫn viên chuyên nghiệp, phát huy tốt vai trò quảng bá về di tích. Có thể nói, chuyển đổi số đã góp phần đưa Khu di tích lịch sử Lam Kinh trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch- Ảnh 3.

Vẻ hoang sơ hút hồn của Pù Luông là một đặc sản thu hút khách du lịch.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chia sẻ: Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc tiếp cận và phát triển đa kênh truyền thông cả trực tuyến và trực tiếp đã và đang trở thành xu hướng chủ yếu để thu hút khách du lịch, vì vậy, Sở Văn hóa cũng tận dụng tối đa nền tảng mạng xã hội facebook, zalo… để tuyên truyền kịp thời các hoạt động du lịch tại địa bàn, quảng bá giới thiệu du lịch, văn hóa thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Thời gian tới, Sở sẽ làm tốt vai trò đầu nối với các đơn vị liên quan, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến hế hoạch chuyển đổi số của tỉnh; phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tập trung vào phần mềm báo cáo thống kê, nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch…; tập trung hoàn thành cổng thông tin điện tử về du lịch và dứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động… Tăng cường tuyên truyền du lịch trên nền tảng số với thông điệp: Du lịch Thanh Hóa - hương sắc 4 mùa" và "Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch- Ảnh 4.

Quảng trường biển Sầm Sơn rộng 2ha, tổng mức đầu tư 1.456 tỷ đồng, có sức chứa khoảng 10.000 người, chiều dài 2,6km là điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách trong và ngoài nước.

Để chuyển đổi số trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển toàn diện cần tăng cường hơn nữa trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, hội thảo, hợp tác về chuyển đổi số và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức ngành du lịch; tập huấn, đào tạo kỹ năng trình bày và kỹ năng quảng bá du lịch trực tuyến, quảng bá du lịch trên nền tảng số cho các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch - dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu của các cơ quan, ban, ngành... vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ công tác chuyển đổi số; xây dựng các sản phẩm du lịch thông minh, quản lý thông minh và quảng bá thông minh, như: áp dụng vé điện tử ở khu du lịch, điểm du lịch, các di tích, chương trình văn hóa, bảo tàng, sự kiện, phương tiện giao thông vận tải, doanh nghiệp dịch vụ du lịch.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn