Thanh Hóa: Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Địa phương
01:16 PM 07/05/2024

Sự phát triển của thương mại điện tử đã khiến nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, thời gian qua, Cục QLTT Thanh Hóa đã tăng cường các biện pháp siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Công nghệ 4.0 phát triển cùng với đó là giao dịch trên sàn thương mại điện tử bùng nổ. Điều này đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, tạo cơ hội phát triển thị trường cho các doanh nghiệp nhưng cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại trên nền tảng số để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.

Thanh Hóa: Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử- Ảnh 1.

Theo thống kê của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, thương mại điện tử đang xếp thứ 2 trong 22 nhóm hàng hoá bị người tiêu dùng gửi thông tin khiếu kiện nhiều nhất do hàng hoá không đúng mô tả, doanh nghiệp giải quyết khiếu nại không thỏa đáng hoặc bị người bán hàng lợi dụng chiếm đoạt tài sản. 

Chỉ tính trong năm 2023, lực lượng quản lý thị trưởng cả nước cũng đã kiểm tra xử lý 764 vụ vi phạm kinh doanh thương mại điện tử, xử phạt số phạt tiền 12 tỷ đồng. Điều đáng nói là những vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát hơn, đòi hỏi vai trò tăng cường quản lý của các cơ quan nhà nước. 

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Đội đã tăng cường nắm bắt địa bàn để nắm được các hộ kinh doanh thương mại điện tử, phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra xử lý và nắm bắt địa bàn hoạt động về thương mại điện tử. Qua đó xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật, nhằm bảo minh bạch thị trường thương mại điện tử và quyền lợi của người tiêu dùng".

Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, ông Lữ Minh Thư Cục trưởng Cục QLTT Thanh Hóa cho biết: Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị có liên quan, tăng cường kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tổ chức giám sát các hoạt động thương mại điện tử, mua bán online thông qua các website và ứng dụng trên nền tảng di động để bán hàng trên trang mạng xã hội.

Thanh Hóa: Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử- Ảnh 2.

Đồng thời, triển khai thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thông qua các ứng dụng trên internet, website bán hàng, nhất là các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok,... nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng lợi dụng lòng tin của người mua hàng trên mạng để gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng của hàng hóa. Đặc biệt là các mặt hàng cấm kinh doanh, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các trang wed uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; hàng hóa kinh doanh phải có đầy đủ thông tin theo quy định, nhất là thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và khi có thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa phải có các giấy tờ, chứng từ chứng minh việc giao dịch.

Vận động người tiêu dùng kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm các quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Thanh Hoá sẽ đẩy mạnh tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật về thương mại điện tử cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, phấn đấu đến năm 2025, 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử; nhằm đảm bảo môi trường minh bạch, lành mạnh; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Dự báo 2 kịch bản sáng - tối của thị trường bất động sản nửa cuối năm 2024 Dự báo 2 kịch bản sáng - tối của thị trường bất động sản nửa cuối năm 2024

Nếu được “tiếp sức” bằng việc Quốc hội sẽ cho phép áp dụng các Luật liên quan tới bất động sản sớm đi vào thực tiễn sẽ tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 trở đi.