Thanh Hóa: Thúc đẩy, nâng tầm phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp

Địa phương
11:04 AM 08/02/2023

Hoạt động của các hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh của thành viên và hộ thành viên, nhất là hộ nghèo. Nhiều HTX đã quan tâm đến phát triển thêm thành viên, huy động thêm vốn góp, đầu tư phát triển kinh doanh, làm tốt các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả hoạt động của HTX từng bước được nâng lên.

Có thể nói, hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Các HTX phi nông nghiệp đã huy động các nguồn lực về lao động, đất đai, công nghệ, vốn cho sản xuất kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực và dịch vụ dùng chung, gắn với chuỗi giá trị thị trường. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, liên kết ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các sản phẩm mới… để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nhận thức về HTX trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân được nâng cao, chính quyền các cấp đã kịp thời ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động và cơ chế chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Qua đó, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả, đa dạng ngành nghề, quản trị linh hoạt và từng bước hiện đại, trong đó lĩnh vực vận tải, thương mại và dịch vụ tăng mạnh. Qua đó, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống cho nhiều lao động; đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo định hướng chung của tỉnh Thanh Hóa.

Thời gian qua, một trong những HTX phi nông nghiệp của tỉnh được xướng tên trong nhiều đợt khen thưởng của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa và Liên minh HTX Việt Nam là HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn. Được thành lập từ năm 2006, với 32 thành viên, vốn điều lệ chỉ 800 triệu đồng, thời điểm mới thành lập HTX chỉ bó hẹp trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Khoảng 5 năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu về dịch vụ vệ sinh môi trường của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp mở rộng địa bàn làm dịch vụ tại các huyện: Đông Sơn, Quảng Xương, Triệu Sơn. Ngoài ra, HTX còn đa dạng hóa thêm một số dịch vụ khác như: chế tạo thùng đựng rác, bảo dưỡng, sửa chữa xe chở rác...

Việc mở rộng địa bàn làm dịch vụ môi trường và đa dạng hóa ngành nghề đã và đang giúp HTX ngày càng lớn mạnh, thu nhập của người lao động ngày càng được nâng cao. Hiện vốn điều lệ của HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn đã đạt 6,5 tỷ đồng, số lao động đã tăng lên 220 người.

Giám đốc HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn Đặng Thị Thủy chia sẻ: Là lĩnh vực có tính độc hại cao, nên việc giữ được chân lao động giữa bối cảnh nhiều cơ hội việc làm được mở ra là thách thức lớn đối với đơn vị. Vì vậy, để lao động gắn bó dài lâu, HTX đã chú trọng tạo sân chơi, môi trường làm việc mang tính gắn kết giữa các thành viên trong HTX. Theo đó, HTX đã phát triển các tổ chức đoàn thể, như: công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ. Vào những ngày lễ, tết, HTX đều tổ chức các phong trào, hội thi văn hóa, văn nghệ giữa các tổ chức hội hoặc thi với các đơn vị khác trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Thúc đẩy, nâng tầm phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp - Ảnh 1.

Lao động làm việc tại HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống).

Với hướng phát triển riêng của mình, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống) - thành lập năm 2010, được đánh giá là một trong những HTX phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn ban đầu chỉ 60 triệu đồng, đến nay, nguồn vốn của HTX đã tăng lên 2 tỷ đồng. 

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ Nguyễn Thị Thắm cho biết: Kết quả nổi bật của HTX không nằm ở doanh thu mà ở chỗ tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động khuyết tật, phụ nữ cao tuổi. Hiện tại, hoạt động sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX đang tạo việc làm cho hơn 500 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Số lao động này đa phần là phụ nữ. Trong hơn 10 năm qua, HTX luôn thực hiện đúng hợp đồng kinh tế đã ký với UBND tỉnh Thanh Hóa. Lao động của  HTX có thu nhập ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nhiều quyền lợi khác, mỗi năm HTX còn đóng ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Mới thành lập và đi vào hoạt động chính thức từ tháng 7/2021, nhưng HTX Sản xuất và Thương mại Vinaco ở TP Thanh Hóa đã sớm bắt nhịp được sự phát triển của thương mại hiện đại. Tiền thân là một cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo, với các sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy khô, rượu đông trùng hạ thảo, đã bắt đầu khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Thanh Hóa: Thúc đẩy, nâng tầm phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp - Ảnh 2.

HTX Sản xuất và Thương mại Vinaco cung ứng sản phẩm bưởi tiến vua Luận Văn (Thọ Xuân) trong dịp Tết Nguyên đán

Tuy nhiên, chủ cơ sở là chị Nguyễn Thị Vân nhận thấy, để phát triển dịch vụ lớn mạnh, chỉ vài ba sản phẩm như vậy thì khó có thể tạo được sự đột phá. Chị đã chủ động mời gọi và liên kết được 6 chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để thành lập HTX thương mại. Lấy sản xuất làm nền tảng, coi hoạt động thương mại là cơ sở tạo đột phá, HTX đã gặt hái thành công ngay sau thời điểm hoạt động. 

Khoảng 50 sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các vùng miền trong tỉnh được nhập về để trưng bày, giới thiệu tại cửa hàng ở số 650 đường Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa. Từ măng khô của các huyện miền núi đến nước mắm của các huyện vùng biển, từ gạo nếp nương vùng cao đến những cân miến gạo, lọ tương của các huyện đồng bằng, tất cả đã được bày bán. HTX còn liên kết trồng các vùng sâm báo tập trung tại huyện Vĩnh Lộc, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ở huyện Bá Thước nhằm chủ động nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có 483 HTX phi nông nghiệp, với tổng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh đạt gần 7.000 tỷ đồng, chiếm tới 87,69% tổng nguồn vốn khu vực HTX. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Tuấn đánh giá: Thời gian qua hoạt động của các HTX phi nông nghiệp luôn được củng cố, đổi mới, nhiều HTX đã quan tâm huy động thêm vốn góp, đầu tư phát triển kinh doanh, nên hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên. 

Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, HTX phi nông nghiệp đã phát huy được vai trò về mặt xã hội trong giải quyết việc làm cho hơn 6.609 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 52,5 triệu đồng/người/năm. Những con số trên đủ để thấy vị trí, vai trò của HTX phi nông nghiệp. Để tiếp tục phát triển HTX phi nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa tiếp tục củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với HTX phi nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích HTX tham gia sản xuất, kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế này phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội, phát triển chưa đều khắp giữa các địa phương, một bộ phận HTX tổ chức hoạt động chưa phù hợp với quy định của Luật HTX hoạt động chưa hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước và triển khai thi hành Luật HTX năm 2012 còn nhiều bất cập…

Do đó, Liên minh HTX tỉnh đề xuất, cần có những đột phá mới, chính sách đồng bộ, phù hợp đối với HTX ở mỗi vùng miền; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, liên kết chuỗi giá trị, tham gia mô hình HTX lĩnh vực phi nông nghiệp; củng cố nâng cao hiệu quả các HTX đang hoạt động để tăng quy mô về vốn, thành viên, sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Tháo gỡ những nút thắt về vấn đề đất đai, vốn, đào tạo, quản lý, chuyển giao khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường… để thúc đẩy sản xuất phát triển. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để HTX phát triển nhanh, bền vững và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn