Báo chí hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức trong cạnh tranh thông tin, thách thức trong việc giành thị phần độc giả... Tất cả những điều này đang trở thành gánh nặng trên vai Thư ký tòa soạn - những người được giao quyền “gác cổng” tại các Tòa soạn
Báo chí hiện đại đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức trong cạnh tranh thông tin, thách thức trong việc giành thị phần độc giả... Tất cả những điều này đang trở thành gánh nặng trên vai Thư ký tòa soạn - những người được giao quyền “gác cổng” tại các Tòa soạn

Bây giờ, người ta thường nói: Làm báo thời kỹ thuật số quá tiện lợi. Nhà báo chỉ cần một chiếc điện thoại công nghệ là có thể chụp ảnh, quay phim, viết tin và gửi ngay về Tòa soạn để "nhấn nút" một phát lên mạng, coi như xuất bản xong một tác phẩm báo chí. Thực tế, công nghệ phát triển nhanh chỉ giúp cho việc làm báo dễ hơn về kỹ thuật, chứ không dễ hơn về nội dung. Nếu không muốn nói ngược lại. Mạng xã hội đưa tin quá nhanh, có thể công bố ngay tất cả mọi chuyện. Ai cũng có thể làm báo và chuyện gì cũng có thể đưa ngay lên báo. Và như vậy, bạn đọc ngày càng chán báo giấy hơn. Vì chẳng những đã chậm mà còn "né" nhiều hơn. Đó là cái khó của nghề báo hiện nay. Tuy nhiên, điều đó cũng buộc báo giấy phải thay đổi để thích ứng với thời thế. Có cơ quan báo chí tổ chức lại hoạt động tòa soạn để có thể cạnh tranh bằng nhiều loại hình báo chí. Có cơ quan báo chí chỉ đầu tư làm báo điện tử để "đánh nhanh thắng nhanh". Đặc biệt là những cơ quan báo chí ra đời vào thời Internet.

Thư ký Tòa soạn: Ăn, ngủ cùng con chữ - Ảnh 3.

Sự thay đổi muôn hình vạn trạng như thế để các cơ quan báo chí tồn tại và phát triển hay để phục vụ cho bạn đọc nhiều hơn, tốt hơn? Có lẽ ý đầu đúng hơn. Vì độc giả bây giờ ngập chìm trong thông tin. Trong đó, không ít là vô bổ. Nhà báo chạy đua về số lượng hơn chất lượng. Tác nghiệp dễ dãi hơn, ngại đột phá vào những đề tài khó. Đặc biệt là các đề tài điều tra nguy hiểm... Đó là nghịch lý giữa sự đi lên về công nghệ và đi xuống về nội dung trong làng báo hiện nay. Chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết nghịch lý ấy nếu còn muốn phụng sự công chúng chứ không chỉ kiếm sống bằng nghề báo.

Thư ký Tòa soạn: Ăn, ngủ cùng con chữ - Ảnh 4.

Trước đây khi làm phóng viên, bị Thư ký cắt tin bài, nhiều khi ức lắm. Còn bây giờ thì đã nhận ra: Vì sao phóng viên thì ra sức viết còn Thư ký ra sức cắt? Nói để bạn dễ hình dung: Một trang tạp chí, tối đa chỉ cho phép từ 1.300 - 1.400 từ, nếu muốn có bài viết đảm bảo nội dung lẫn hình thức. Khổ nỗi, phóng viên gộp các tin bài đứng chung vào cơ số chữ rơi vào từ 2.000 - 3.000 từ. Phải "cắt" là điều tất nhiên. "Bánh" chỉ có bao nhiêu đó. Chia thế nào để vừa có điểm nhấn, vừa đảm bảo thông tin vùng miền. Thư ký đau đầu! 

Thư ký Tòa soạn: Ăn, ngủ cùng con chữ - Ảnh 5.

Áp lực rất vô hình khi vừa trực, vừa lấy tin bài, vừa bao quát. Có những lúc phải chắt chiu, cắt đi gọt lại chỉ vì muốn thêm một cái tin bé tẹo vài chục chữ, cho phóng viên vùng xa ngày mai đọc đỡ tủi vì thấy bài của mình bị "lọt". Có những khi phải đánh vật, gom từ cả chục cái tin ví như nội dung tin dịch bệnh, tin bão lụt, tin các sự kiện thời sự trên cả nước để ngày mai có một sản phẩm ký nhóm PV. Làm tất cả không quên tự nhắc mình: Cố gắng đến mức có thể. Tránh bỏ phí công sức lao động của anh em.

Thư ký Tòa soạn: Ăn, ngủ cùng con chữ - Ảnh 6.

Có đêm bỗng giật mình thức giấc, cảm thấy chưa vừa ý về một vài câu chữ. Lọ mọ xuống giường, tìm giấy ghi lại một vài từ để chỉnh một chút câu chữ bài viết buổi chiều còn dang dở. Có thể tác phẩm sẽ hay hơn. Nhiều đêm, con chữ từ bài viết của đồng nghiệp đi vào giấc ngủ…

Thư ký Tòa soạn giống như một chiếc phểu lọc. Vai trò để ngăn rác rưởi và gạn lấy nước sạch. Nếu thực sự công tâm, trung thực và có trách nhiệm, sẽ sàng lọc chính xác. Nhưng nếu không cẩn trọng, không rèn luyện thì chính người Thư ký sẽ bị "nhiễm bẩn". Khi người Thư ký Tòa soạn lựa chọn một bài xuất sắc thì được cho cả Tòa soạn. Được ở chỗ, người giỏi cũng sẽ khen Thư ký Tòa soạn chọn bài này hay. Người chưa giỏi sẽ nói bài hay thật và cố gắng để học tập. Còn nếu Thư ký chọn một bài kém thì mất cả Tòa soạn. Vì số ít người giỏi thì sẽ nói bài kém như thế này mà cũng chọn. Còn số đông người chưa giỏi sẽ bảo "bài mình cũng kém như thế mà không được dùng. Đúng là quá thiên vị"… 

Thư ký Tòa soạn: Ăn, ngủ cùng con chữ - Ảnh 7.

Ban Thư ký Tòa soạn nào cũng vậy. Trong ý thức, đều muốn làm cho bài của phóng viên hay hơn, muốn đem đến cho độc giả những sản phẩm tốt nhất. Mọi tin, bài, mọi thể loại, mọi tranh ảnh đều phải hướng về độc giả. Vì thế, các sản phẩm nào còn thô sơ, nếu được bàn tay của người thợ giỏi gọt giũa đến tận cùng trách nhiệm thì chắc sẽ tinh xảo hơn. Người Thư ký Tòa soạn phải làm việc đó một cách trung thực, tận tụy và tỉ mỉ… Tất nhiên, nghề Thư ký tòa là bộ phận phục vụ cho phóng viên chứ không có quyền hành gì đối với phóng viên. Thư ký Tòa soạn cần gần gũi để giao thoa trong tâm lý mỗi phóng viên đối với mình. Tôi cũng đã và đang là người viết. Tôi hiểu, để "nhặt" được một chữ, người phóng viên phải dồn nhiều tâm huyết, làm việc vô cùng vất vả, thậm chí tốn kém và nguy hiểm.

Thư ký Tòa soạn: Ăn, ngủ cùng con chữ - Ảnh 8.

Nhưng làm sao có thể làm vừa lòng tất cả phóng viên, tất cả mọi người? Thư ký Tòa soạn chỉ làm hài lòng những ai đạt "chuẩn". Chí ít là "chuẩn" của số tạp chí kỳ hôm đó. Tất nhiên, trong tác nghiệp, có lúc chúng tôi cũng xử lý chưa thật chuẩn, để xuất hiện những phản ứng trái chiều. Điều đó, thật khó tránh khỏi trong nghề nghiệp. Nhất là các bài viết mang tính chất phản ánh. Nhưng nguyên tắc chung nhất là vì uy tín tạp chí, vì bản sắc tạp chí theo chỉ đạo của Tổng Biên tập, nên chúng tôi không ngại những…va chạm đó. Thư ký Tòa soạn phấn đấu nhưng không lồng tính cá nhân vào.

Tôi biết ơn những độc giả đã mua báo, đã gọi điện thoại phản hồi. Mỗi lần cầm bút biên tập, tôi đều nghĩ rất nhiều về bạn đọc để răn mình, để thận trọng trước từng câu chữ…

                                                                                                                             Tác giả Minh Chánh