Thương mại Hậu Giang đã sẵn sàng “sống chung với dịch Covid-19”

Cộng tác viên
01:26 PM 30/04/2020

Đến hết tháng 4/2020, sức mua tại 72 chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã giảm sau khi tăng đột biến do tâm lý mua trữ hàng chống dịch Covid-19 của người dân. Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang Huỳnh Thanh Phong nói rằng, thương mại tỉnh nhà đã sẵn sàng kịch bản “sống chung với Covid-19”.

    Ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Công thương, tỉnh Hậu Giang

    Phóng viên: Trong vài ngày đầu tháng 4/2020, tại nhiều siêu thị và chợ trong tỉnh xuất hiện tình trạng chen chúc mua hàng về dự trữ. Việc đó kéo dài bao lâu? Đối với người trong ngành thương mại nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

    Ông Huỳnh Thanh Phong: Những ngày cuối tháng 3/2020, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Hậu Giang cũng như các tỉnh, thành trên cả nước, người dân tăng cường đi mua thực phẩm về nhà dự trữ. Vì vậy, sức mua tại các điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh có sự tăng đột biến như: Tại các siêu thị, hệ thống các cửa hàng bách hóa (Bách hóa xanh, VinMart ,...) và 72 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

    Tuy nhiên, được sự chỉ đạo của cấp trên, sự chỉ đạo, phối hợp và theo dõi chặt chẽ của ngành Công thương đối với các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh, nên việc cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân từ đầu mùa dịch đến nay luôn đảm bảo đầy đủ, hàng hóa đa dạng, không có hiện tượng thiếu hàng.

    Từ ngày 01/4/2020 đến nay, sức mua của người dân giảm nhiều, theo báo cáo từ các siêu thị, cửa hàng bách hóa, sức mua giảm khoảng 50% so với thời điểm trước ngày 01/4/2020, điều này đã làm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 22,14% so tháng trước. Đặc biệt hơn, trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly xã hội, người dân trong tỉnh có tâm lý hoang mang nên tăng cường đi mua hàng hóa về dự trữ nhất là mặt hàng xăng dầu. Sở Công thương đã tổ chức các Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tình hình kinh doanh, cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh; qua đó, tuyên truyền cho người dân an tâm, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

    Bước sang tháng 4 năm 2020, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục có xu hướng giảm so với tháng trước, đặc biệt là doanh thu ngành lưu trú, ăn uống giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống lượng khách hàng giảm dẫn đến doanh thu giảm làm giảm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ so với tháng trước. 

    Phóng viên: Sắp tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp nhận 1.430 công dân Việt Nam về từ nước ngoài, nỗi lo dịch bệnh lại tiếp tục tăng lên. Xin ông cho biết kế hoạch sắp tới ngành Công thương sẽ “sống chung với Covid-19” như thế nào?

    Ông Huỳnh Thanh Phong: Kế hoạch đã được UBND tỉnh chuẩn bị chu đáo, theo đó tỉnh sẽ dự kiến tiếp nhận 1.235 Việt kiều về từ Campuchia, Thái Lan và các nước khác theo Kế hoạch phân công của Quân khu 9. Những công dân này sẽ được bố trí cách ly tập trung tại 11 địa điểm trên địa bàn tỉnh gồm: Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, Trường Nghiệp vụ VHTT&DL tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành - cơ sở 2, Trung tâm GDTX thị xã Long Mỹ, Trường Trung cấp nghề TP Ngã Bảy, Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành A - cơ sở cũ, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hậu Giang và Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên tỉnh Hậu Giang.  

    Để ứng phó với những diễn biến phức tạp từ dịch bệnh Covid-19, ngành Công thương đã chủ động tích cực phối hợp với các sở, ngành có liên quan thường xuyên kiểm tra hàng hóa tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn cung ổn định cho người dân khi cần thiết; bên cạnh đó, luôn kịp thời hỗ trợ, tìm ra các giải pháp tiêu thụ hàng hóa, giúp cho doanh nghiệp và bà con nông dân vượt qua khó khăn trong thời gian xảy ra dịch bệnh.

    Cán bộ ngành sẽ thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá cả hàng hóa; tình hình mua, bán, dự trữ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Công thương đối với các chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại, cửa hàng, kho dự trữ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Thanh tra các Đề án, Quy hoạch ngành Công Thương đối với Phòng chuyên môn thuộc Sở; làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong thực hiện pháp luật về kinh doanh xăng dầu; tiếp tục rà soát nắm tình hình kiểm tra một số lĩnh vực đang được dư luận quan tâm thuộc phạm vi quản lý của Sở Công thương thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.

    Phóng viên: Cụ thể ngành Công thương đã chuẩn bị được gì và dự kiến các kịch bản ứng phó ra sao khi có những diễn biến mới thưa ông?

    Ông Huỳnh Thanh Phong: Về dự trữ hàng hóa, Sở Công thương đã phối hợp với các doanh nghiệp, siêu thị, hệ thống cửa hàng bách hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xây dựng phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh, các hàng hóa dự trữ bao gồm: Gạo, thịt heo, thịt gà, trứng, thủy hải sản, rau củ, mì tôm, muối ăn, dầu ăn, nước đóng chai, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh.

    Thực hiện theo 5 cấp độ, cụ thể:

    Cấp độ 1: Có trường hợp xâm nhập tại địa phương; dự trữ: 763 tỷ đồng.

    Cấp độ 2: Khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn; dự trữ: 765 tỷ đồng.

    Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc; dự trữ: 769 tỷ đồng.

    Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng từ trên 1.000 - 3.000 trường hợp mắc; dự trữ: 778 tỷ đồng.

    Cấp độ 5: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng từ trên 3.000 - 30.000 trường hợp mắc; dự trữ: 885 tỷ đồng.

    Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu, bao gồm: Co.opmart Vị Thanh, Co.opmart Ngã Bảy, Siêu thị VinMart, hệ thống cửa hàng VinMart , hệ thống cửa hàng Bách hóa xanh. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã đề nghị và các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu tại địa phương, các chợ truyền thống trên địa bàn, cũng theo 5 cấp độ nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

    Bên cạnh đó, Sở Công thương đã triển khai kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ giữa các doanh nghiệp cung cấp và các đơn vị kinh doanh, tiêu thụ khẩu trang vải kháng khuẩn trên địa bàn tỉnh để đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ cho nhu cầu của người dân, nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

    Về giá cả hàng hóa, qua kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, giá cả hàng hóa ổn định, hầu hết các đơn vị kinh doanh có niêm yết giá, bán theo giá niêm yết và cam kết bình ổn giá cả để phục vụ nhu cầu người dân địa phương. Vì vậy vấn đề tăng giá không có khả năng xảy ra.

    Trong tháng 5/2020, chúng tôi cũng sẽ ra mắt máy ATM gạo miễn phí trên địa bàn thành phố Vị Thanh nhằm phục vụ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

    Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

    Hồng Ân (thực hiện)

    Ý kiến của bạn