Trường Tiểu học Châu Thành: Nỗ lực hết mình vì sự nghiệp "trồng người"

Giáo dục
10:57 AM 13/04/2022

Qùy Hợp được biết đến là một huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, với đặc thù địa hình đồi núi cao, địa bàn rộng nên con đường học chữ của các em họ sinh vẫn còn nhiều cheo leo và gian khó. Vượt qua tất cả khó khăn, thầy cô giáo và học trò Trường Tiểu học Châu Thành vẫn ngày ngày bám trường, bám lớp, nỗ lực hết mình vì sự nghiệp "trồng người".

Năm 1995, Trường Tiểu học Châu Thành được tách ra từ Trường THCS Châu Thành, nhằm nâng cao chất lượng cũng như thuận lợi hơn trong việc tổ chức dạy và học. Là một ngôi trường thuộc xã nghèo của huyện nên cơ sở vật chất của trường cũng vì thế mà còn nhiều thiếu thốn. 

Sau khi chia tách từ trường cấp 2 nên trường cũng có những khó khăn nhất định trong việc xây dựng và thiết lập cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Cho đến nay, nhà trường vẫn chưa thể thực hiện hình thức dạy và học nội trú, đây cũng là nỗi trăn trở nhất của các thầy cô giáo nơi đây. Nhưng những khó khăn đó cũng không thể làm nhụt ý chí hiếu học của các em học sinh, đó cũng chính là động lực để các thầy cô giáo Trường Tiểu học Châu Thành luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để xây dựng cho các em một môi trường học tập tốt và thuận lợi nhất. Từ những nỗ lực đó, năm 2016, Trường Tiểu học Châu Thành được công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Cheo leo đường chữ học sinh vùng cao xứ Nghệ. - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Châu Thành - điểm trường chính

"Lứa tuổi học sinh tiểu học còn nhỏ, đường miền núi xa xôi, cách trở, nên đường đi học của các em nhiều khó khăn hơn. Hiện nhà trường ngoài điểm chính ở bản Tiến Thành, thì có hai điểm trường lẻ ở Bản Na Án và bản Cải, để các cháu ở trong các bản xa đi học đỡ vất vả hơn. Tất nhiên, đỡ vất vả cho các em học sinh, thì các thầy cô chấp nhận vất vả gấp đôi, khi mà sẽ đi đi lại lại giữa các điểm trường để đảm bảo giờ lên lớp", cô giáo Đậu Thị Mai Dung - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Các điểm trường cách nhau từ 7-10 km cây số, với địa hình đồi núi, sông suối của miền biên giới rẻo cao thì quãng đường này càng thêm gian nan, chật vật hơn. Ngày nắng thì có cái khó của ngày nắng mà ngày mưa thì có cái khổ của ngày mưa. Chưa kể, có những ngày giáo viên có việc gia đình đột xuất, hoặc ốm đau thì các thầy cô giáo dạy nhận dạy thay lại còn vất vả hơn nữa. Buổi sáng vừa dạy xong ở điểm trường mình, chưa kịp ăn cơm đã phải tất tả chạy xe vào điểm trường khác dạy thay để kịp giờ vào học với học sinh.

Ở điểm trường bản Cải hiện có 5 lớp với 112 học sinh. Điểm trường bản Na Án có 5 lớp với 70 học sinh, trong đó có 1 lớp ghép. Điểm trường chính ở bản Tiến Thành có 8 lớp học với 209 học sinh. Tại hai điểm trường lẻ, các lớp học hầu như là còn tạm bợ. Như điểm bản Na Án còn thiếu cả những hạng mục cơ bản nhất như nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên. 

Tại các điểm trường, một số hạng mục chưa đảm bảo theo quy định chuẩn. Cả ba điểm trường có tổng 391 học sinh thì chỉ có một học sinh là dân tộc Kinh, còn lại đều thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, và có 105 em thuộc hộ nghèo. Có thể nói, bao nhiêu năm gắn bó với mảnh đất này, giáo viên nhà trường cũng đã quen với cảnh đi đi lại lại rồi, không kể mùa mưa hay nắng. Nhưng thương nhất vẫn là các em học sinh! Tuổi còn ít, nhưng ngày ngày cứ phải hai buổi đi bộ đến đường, muốn đi xe đạp cũng khó vì các em tuổi còn nhỏ, mà đường đi lại quanh co, sông suối nhiều nguy hiểm.

Cheo leo đường chữ học sinh vùng cao xứ Nghệ. - Ảnh 2.

Vượt qua khó khăn, các em học sinh vẫn chăm chỉ đến trường mỗi ngày.

"Nhà trường cũng rất mong muốn sớm xây được khu vực nội trú cho các em, nhưng hiện tại quá hạn hẹp về kinh phí. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã trình bày nguyện vọng lên cấp trên, hi vọng sẽ có phương án triển khai. Thời gian qua vì dịch bệnh, nên vẫn chưa có phản hồi. Nguyện vọng lớn nhất lúc này của cả thầy cô và học trò là sẽ sớm xây dựng được khu nội trú cho các em, để các em có môi trường học tập an toàn hơn, thuận lợi hơn. Và giáo viên cũng yên tâm hơn để tập trung chuyên môn vào dạy học và chăm sóc các em khi ở trường" - cô giáo Đậu Thị Mai Dung chia sẻ nỗi niềm của người đứng đầu nhà trường, mà cũng là những trăn trở chung của tập thể giáo viên nơi đây.

Tuy còn nhiều khó khăn, gian nan như vậy, nhưng Trường Tiểu học Châu Thành vẫn luôn đạt được những thành tích đáng khích lệ trong dạy và học. Nhà trường có đội ngũ 26 thầy cô giáo, trong đó có 1 giáo viên trình độ Thạc sĩ, 13 giáo viên trình độ Đại học và 12 giáo viên trình độ Cao đẳng. 

Dù đường xá xa xôi, nhưng các giáo viên nhà trường luôn đạt 100% tham gia các lớp bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ hàng năm. Năm học 2020 - 2021 cũng là một năm đánh dấu về chất lượng giáo dục thực chất của nhà trường. Tỉ lệ lên lớp và hoàn thành chương trình vượt quy định của trường chuẩn Quốc gia mức độ 1. Đây cũng là năm học mà trường có nhiều học sinh tham gia các cuộc thi lớn của ngành và tỉnh, bộ tổ chức.

Cheo leo đường chữ học sinh vùng cao xứ Nghệ. - Ảnh 3.

Các em học sinh tham quan, trải nghiệm tại Lữ đoàn pháo binh 16

Năm 2020-2021 cũng là năm học mà có nhiều biến động vì bệnh dịch COVID-19, gây không ít khó khăn, cản trở đến việc dạy và học của cả nước. Với các lớp học miền núi cao, thì sự học trong những ngày giãn cách vì dịch bệnh còn khó hơn gấp nhiều lần.

Nhớ lại khoảng thời gian nhà trường đã vận dụng hết mọi cách thức, mọi công suất để đảm bảo dạy và học trong những ngày giãn cách vì dịch bệnh, cô giáo Đậu Thị Mai Dung chia sẻ:  "Vì dịch bệnh, nên theo chỉ thị chung, các em không học tập trung được. Với đặc thù miền núi, các em phần lớn đều không có điện thoại thông minh, mát tính lại càng hiếm. Nên kế hoạch học online không thể triển khai được. Nên nhà trường tùy cơ ứng biến, với các em gần trường thì sẽ tổ chức từng nhóm học sinh nhỏ học ở trường, và cứ thay ca nhau học. Các em học sinh ở bản xa thì thầy cô đi vào trực tiếp để hướng dẫn học bài. Nói là học online nhưng như ở Trường Tiểu học Châu Thành, thì các thầy cô liên tục phải thay ca nhau dạy học để các em học sinh kịp chương trình học. Các thầy cô vào bản để dạy cho các em ở xa cũng vất vả không kém khi mà cứ sáng đi, tối mịt mới về nhà".

Chất lượng giáo dục vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm nhưng nâng cao và cải thiện cảnh quan, cơ sở vật chất cũng là trăn trở và mục tiêu của nhà trường. Bằng những nỗ lực chung của tập thể, trong phạm vi khả năng tài chính của nhà trường, năm học qua Trường Tiểu học Châu Thành cũng đã tiến hành sửa sang một số hạng mục, hướng tới mục tiêu để các em có được môi trường học tập tốt nhất, đầy đủ nhất. Nhà trường cũng đã lắp đặt mạng Internet để phục vụ công tác dạy và học, bên cạnh đó duy trì đặt báo hàng tháng để phát huy tinh thần văn hóa đọc cho các em học sinh.

Cheo leo đường chữ học sinh vùng cao xứ Nghệ. - Ảnh 4.

Các thầy cô giáo và học sinh tham gia hoạt động "Chợ Tết" được tổ chức tại trường.

Dù còn những khó khăn về cơ sở vật chất chưa khắc phục được, nhưng điểm sáng tại ngôi Trường Tiểu học Châu Thành chính là sự tận tụy, trách nhiệm, yêu nghề thương học trò của các thầy cô giáo và sự chăm chỉ, ham học hỏi của các em học sinh. Hi vọng rằng mong ước xây dựng khu nội trú cho các em học sinh sẽ sớm thành hiện thực. Và Trường Tiểu học Châu Thành tự hào là nơi đặt viên gạch đầu tiên trên con đường dài đến với tri thức của các em nhỏ nơi đây, giúp các em có thêm tự tin, nghị lực và cố gắng để tiếp tục bay cao, bay xa, vươn tới bầu trời trí thức mới.

Lê Dung - Văn Quyền
Ý kiến của bạn