04 Nghị định có hiệu lực thi hành từ tháng 05/2020
Từ ngày 01 đến ngày 10/5/2020, 04 Nghị định của Chính phủ sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành, cụ thể như sau:
1. Thực hiện ủy thác thi hành án (THA) dân sự:
Nghị định 33/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 01/5/2020, sửa đổi, bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự.
Theo đó, trên cơ sở bản án, quyết định được thi hành hoặc kết quả xác minh, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ủy thác THA cho cơ quan THA dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở.
Quy định mới không còn phân định theo loại tài sản là bất động sản, động sản hay tài sản khác và có bổ sung xác định theo nơi cư trú, làm việc hoặc có trụ sở.
Bên cạnh đó, trường hợp người phải THA có nhiều tài sản ở nhiều nơi thì cơ quan THA dân sự thực hiện ủy thác theo thứ tự:
(1) Theo thỏa thuận của đương sự;
(2) Nơi có tài sản đủ để thi hành án;
(3) Nơi có tổng giá trị tài sản lớn nhất (Hiện hành quy định trường hợp tài sản không đủ để THA thì ủy thác đến nơi có tài sản giá trị lớn nhất, nơi có nhiều tài sản nhất).
2. Điều kiện nhà, kho, bãi tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm hành chính (VPHC):
Ngày 05/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2020) sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2013/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Theo đó, đối với nơi tạm giữ phương tiện, tạng vật vi phạm hành chính là nhà, kho, bãi, phải đáp ứng điều kiện sau:
- Phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hàng rào bảo vệ, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy;
- Phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí, trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng;
- Có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
3. Mức phạt hành vi khai thác cát không phép:
Nghị định 36/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 10/5/2020 và thay thế cho Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Theo đó, hành vi khai thác cát ngoài phạm vi như phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; hành lang bảo vệ luồng ... mà không có giấy phép khai thác khoáng sản sẽ bị xử lý như sau:
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm dưới 10 m3;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10 m3 đến dưới 20 m3;
- Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20 m3 đến dưới 30 m3;…
Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.
4. Thay đổi cơ cấu tổ chức của Đài truyền hình Việt Nam:
Theo Nghị định 34/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành ngày 10/5/2020) sửa đổi Nghị định 02/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam, có một số thay đổi trong cơ cấu tổ chức như sau:
- Ban Thư ký biên tập ngoài vai trò là tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc thì còn thực hiện sản xuất, phát sóng chương trình.
- Các Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại địa phương được phân chia thành 02 nhóm, không phân chia thành 1 số tỉnh thành như hiện tại:
Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ.
Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
- Bổ sung vào cơ cấu tổ chức: Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số.
- Bỏ Tạp chí truyền hình ra khỏi cơ cấu tổ chức.
Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH
Ngày 23/12, hội thảo "Chiến lược Dữ liệu Quốc gia - Kết nối Mạng lưới Cố vấn Khởi nghiệp Toàn cầu" đã diễn ra tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.