1 triệu USD đã không còn đủ để về hưu từ… 4 năm trước, người nghỉ hưu có thể rơi vào cảnh ‘nghèo đói triệu đô’ ở Mỹ
Một người 32 tuổi thuộc thế hệ millennials ở Mỹ muốn nghỉ hưu năm 67 tuổi với 1 triệu USD sẽ phải sống dưới mức nghèo khó!
Theo CNBC, 1 triệu USD từ lâu đã được coi là "tiêu chuẩn vàng" để nghỉ hưu tại Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, hiện tại, số tiền này chỉ là một phần nhỏ so với những gì một người cần để nghỉ hưu.
Mark Avallone – Chủ tịch Potomac Wealth Advisors và tác giả cuốn sách "Đếm ngược đến tự do tài chính" đưa ra ví dụ: Một người 67 tuổi thuộc thế hệ baby boomer (sinh ra trong giai đoạn 1946 – 1964), nghỉ hưu với 1 triệu USD trong tài khoản ngân hàng sẽ có 40.000 USD/năm để trang trải chi phí sinh hoạt, sau khi điều chỉnh lạm phát và tỷ lệ rút tiền bền vững là 4%.
Còn nếu một người 42 tuổi, thuộc thế hệ X (sinh ra trong giai đoạn 1964 – 1980), nghỉ hưu với 1 triệu USD trong tài khoản hưu trí, tình hình sẽ tệ hơn. Cụ thể, người này sẽ chỉ nhận được 19.000 USD/năm sau khi điều chỉnh lạm phát. Trong khi đó, một người 32 tuổi thuộc thế hệ millennials (sinh ra trong giai đoạn 1980 – 2000), muốn về hưu ở tuổi 67 với 1 triệu USD, sẽ phải sống dưới mức nghèo khó!
Mark gọi đây là tình trạng "nghèo đói triệu đô". Thực tế là hầu hết người Mỹ thiếu thu nhập và kế hoạch đầu tư phù hợp. Điều này cùng với lạm phát, khủng hoảng hưu trí cũng như tuổi thọ dài hơn tạo thành "công thức độc hại để nghỉ hưu thành công" bởi nó sẽ khiến chất lượng cuộc sống khi về già của nhiều người Mỹ giảm sút nghiêm trọng.
Đáng chú ý nhất, nhận định này được Mark đưa ra từ năm 2017!
Mark cho biết thêm: "Thế hệ người lao động ngày nay lớn lên trong thời đại mà cha mẹ họ phải ra kiểm tra hộp thư trước nhà và thấy một tấm séc. Họ không hề có lương hưu. Mọi người phải tự trang trải quỹ hưu trí và thách thức của việc đó bị đánh giá thấp".
Trong một nghiên cứu năm 2017, trang tài chính cá nhân GoBankingRates đã xác định xem 1 triệu USD có thể kéo dài được bao lâu. Website này đã so sánh chi phí trung bình của người từ 65 tuổi trở lên, bao gồm chi phí hàng tạp hóa, nhà ở, tiện ích, giao thông và chăm sóc sức khỏe.
Tất nhiên, tùy thuộc vào nơi một người sinh sống ở Mỹ, "tuổi thọ" của 1 triệu USD sẽ khác nhau. Ví dụ, vật giá rẻ hơn ở một số bang như Mississippi, Arkansas và Tennessee giúp người về hưu sống thoải mái trong ít nhất 1/4 thế kỷ. Tuy nhiên, ở Hawaii, nơi người dân phải trả thêm khoảng 30% chi phí vật dụng gia đình thì 1 triệu USD chỉ đủ cho hơn một chục năm. Chi phí sinh hoạt và bất động sản tại đây cũng đắt đỏ.
Theo Mark, xét đến việc nhiều gia đình chi nhiều hơn 100% thu nhập sau thuế cho các khoản chi tiêu hàng tháng, chỉ có 2 cách để người Mỹ vượt qua cảnh "nghèo đói triệu đô" là kiềm nhiều hơn và tiêu ít đi.
Đối với những người sắp về hưu, ông gợi ý họ nên làm thêm một nghề không quá vất vả và tiết kiệm 100% thu nhập từ công việc này. Theo ông, điều quan trọng là tự động bổ sung tiền vào tài khoản đầu tư hoặc tiết kiệm.
Bên cạnh đó, việc xác định đâu là chi phí cần thiết và đâu là các khoản tùy ý cũng quan trọng không kém. Khi xác định được, bạn có thể cắt giảm chi tiêu mà không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống.
"Những khoản đó tuy nhỏ nhưng về lâu dài có thể trở thành một số tiền đáng kể. Khi bạn không còn đi làm, bất cứ khoản tiền nào để ra được cũng đều đáng quý".
Gần đây, câu chuyện về một cô gái 27 tuổi ở Hưng Yên tuyên bố "nghỉ hưu sớm" với khoản tiết kiệm chỉ hơn 100 triệu đồng đã gây ra không ít tranh luận. Cô gái này cho biết tài sản hiện tại của cô là 1 chiếc xe đạp, 1 tấm thảm yoga, 1 iPad, 1 điện thoại, 1 cuốn sổ bảo hiểm xã hội mới đóng 1 năm, sách vở quần áo và hơn 100 triệu đồng.
Ngay lập tức, nhiều người băn khoăn nếu thực sự nghỉ hưu và không làm bất cứ công việc nào tạo thêm thu nhập từ giờ đến cuối đời, cô gái này sẽ sống ra sao với 100 triệu đồng. Đó là chưa kể hiện cô chưa lập gia đình, có con và chưa phải chi tiền cho những việc đột xuất như ốm đau.
Nguồn: CNBC
Gia VũTrung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ mở cửa cho khách tham quan Cột cờ Hà Nội kể từ ngày 1/1/2025.