Trải qua một năm bất ổn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục gần 670 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư FDI tăng, GDP tăng trưởng dương...
10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 1.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 2.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt khoảng 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch COVID-19.

Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2021 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế".

Cùng với đó là sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu "tỷ đô" tăng 1 mặt hàng so với năm 2020, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 02 mặt hàng so với năm 2020.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hoá như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc…

Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập đã thể hiện rõ nét hơn, giúp cho hoạt động xuất, nhập khẩu không những không bị tác động quá lớn bởi sự phụ thuộc vào một số thị trường và sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua, mà còn là cú hích rất lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 4.

Việt Nam đã vươn lên vị trí top 10 các thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Với tổng điểm 5,67/10, nước ta đã tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng này. Tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch, song khả năng tăng trưởng giao thương của cả nước vẫn được đánh giá khả quan dựa trên những hiệp định thương mại được kí gần đây, bao gồm Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Theo Tổng Cục Thống Kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước năm ngoái là 544 tỷ USD, tăng hơn 5% so với năm 2019. Với đà phát triển nhanh như hiện nay, tiềm năng phát triển của ngành cảng biển và logistics được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 5.

Tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch, song khả năng tăng trưởng giao thương của cả nước vẫn được đánh giá khả quan dựa trên những hiệp định thương mại được kí gần đây, bao gồm Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán SSI, doanh thu của ngành cảng biển và logistics sẽ tăng đến 10% trong năm nay và ngành sẽ tiếp tục đà phát triển tầm 12 - 14% như các năm vừa qua.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, năng lực của các cảng biển và ngành logistics trong nước đang được nâng cấp và cải thiện. Với việc mở rộng quy mô các cảng biển như Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện, Việt Nam sẽ thu hút được những tàu hàng có tải trọng lớn thay vì đến các cảng tại Singapore và Hong Kong (Trung Quốc).

Trong năm nay, cảng Gemalink, cảng nước sâu lớn nhất cả nước và top 19 cảng nước sâu lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ đạt được mức vận hành lên tới 80% và 100% với 1,5 triệu TEU trong năm 2022.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 6.

Tăng trưởng kinh tế GDP quý 3 năm nay giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tăng trưởng âm không gây bất ngờ vì đã được dự báo trước. Tính chung cả năm, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 3,8 - 4,8%, so với mục tiêu đầu năm 6,8% của Việt Nam. Song mức tăng trưởng âm này chỉ mang tính chất nhất thời.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 7.

Đà phục hồi đã trở lại trong quý IV. Bức tranh kinh tế có nhiều điểm khởi sắc như hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 phục hồi mạnh mẽ, GDP quý IV tăng 5,22%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của năm 2021 đạt 2,58%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; riêng ngành nông nghiệp tăng 3,18%.

Việt Nam vẫn được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong tăng trưởng, thu hút đầu tư FDI, quan trọng là phải làm sao để tháo gỡ những rào cản.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 8.

Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 19,74 tỷ USD.

Cụ thể, 1.738 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2021 với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD, tăng 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Về vốn đăng ký điều chỉnh, có 985 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 9,01 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm trước.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 9.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần không nhiều, song có dự án có quy mô vốn lớn nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn-bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 2,6 tỷ USD và trên 1,4 tỷ USD...

Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,7%, 28,1% và 16,7% tổng số dự án.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 10.

Để phòng chống dịch Covid-19, các lực lượng chức năng chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc đã triển khai các giải pháp rất quyết liệt khi có thông tin về một số lái xe chuyên trách xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như một số loại hàng hóa có virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy gây nên cảnh ùn tắc nghiêm trọng tại các cửa khẩu này.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, đến ngày 25/12/2021, Quảng Ninh còn 1,555 xe, Lạng Sơn 4,204 xe, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là mặt hàng nông sản (chiếm đến 80% các mặt hàng đặc tính dễ hư hỏng)...

Tổng số xe container chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn tại khu vực các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là 4,204 xe, trong đó số xe chở hoa quả xuất khẩu là 2,924 xe (hoa quả nóng 551 xe, hoa quả lạnh 2,373 xe), tập trung chủ yếu tại cửa khẩu Tân Thanh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cho biết cửa khẩu Tân Thanh vẫn tạm dừng xuất khẩu hàng hóa từ ngày 18/12/2021. Còn cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma vẫn hoạt động nhưng năng lực thông quan rất chậm.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 11.

Chiều 26/12/2021, tại cuộc họp trực tuyến về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết thủ tục giao nhận thực hiện chặt chẽ hơn, lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc. Quy trình kiểm dịch cũng phức tạp hơn. Thứ trưởng Bộ Công thương chỉ ra điểm yếu là sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch… Do vậy, dù đã có nhiều khuyến cáo ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng nên ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Giải pháp đưa ra, Lạng Sơn đã thông tin trên trang điện tử từng ngày về thời gian, lượng xe thông quan; nhắn tin Zalo với các doanh nghiệp, chủ hàng về xuất nhập khẩu. Nhưng mỗi ngày vẫn có 60 - 70 xe từ các địa phương lên Lạng Sơn.

Do đó, tỉnh này khuyến cáo các doanh nghiệp cần điều tiết, hạn chế đưa hàng hóa xuất khẩu lên biên giới; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh như khử khuẩn xe chở hàng, thường xuyên xét nghiệm cho tài xế, thiết lập vùng an toàn dịch bệnh…

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 12.

Chứng khoán liên tục cán mốc đỉnh và giá giao dịch bất động sản tăng vọt cũng là những nét nổi bật của 2021.

Hai đợt khủng hoảng toàn cầu năm 1997 và giai đoạn 2008-2009, cả chứng khoán lẫn bất động sản đều… rớt. Nhưng năm nay, dù Việt Nam gặp khó khăn, cả chứng khoán và bất động sản đều tăng.

Tổng kết về TTCK năm 2021, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, TTCK đã phục hồi và có sự bứt phá mạnh mẽ, kéo dài xu hướng tăng trưởng trong dài hạn, mặc dù có những nhịp điều chỉnh do tác động của đại dịch, khi xuất hiện biến chủng virus COVID-19 mới Delta và Omicron. 

Theo đó, chỉ số VN-Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11 khi VN-Index chạm mốc 1.500,81 điểm. Phiên cuối năm, thị trường đóng cửa với sắc xanh lan tỏa ở các chỉ số chính. Tính chung cả năm 2021, VN-Index đã tăng gần 36% so với thời điểm cuối năm 2020 và lọt Top 10 thị trường tăng mạnh nhất trên thế giới.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 14.

Năm 2021 cũng chứng kiến sự dậy sóng của thị trường bất động sản với thương vụ đấu giá đất của Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản có tổng giá trị được chốt là 37,346 tỷ đồng. Các lô được bán mang các ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 thuộc khu chức năng số 3, khu dân cư phía Bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.

Đáng chú ý nhất, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh) đưa ra mức giá 24,500 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) để sở hữu lô đất vàng 3-12, cao gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm. Với mức chi bình quân trên 2.4 tỷ đồng/m2, đây là khu đất thuộc diện đắt đỏ bậc nhất trên thế giới.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 15.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đại hội nêu rõ, mục tiêu đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ là nước phát triển, có thu nhập cao.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 với tỷ lệ cao các đại biểu Quốc hội tán thành. Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm. Trong đó, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 16.

Ngày 01/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố, sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan.

Việt Nam cũng cam kết dần loại than khỏi sản xuất điện và ngừng hỗ trợ xây nhà máy điện than mới. Những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của dư luận quốc tế, đồng thời cho thấy rõ hơn vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 17.

Người Việt dùng thương mại điện tử trong dịch CVOD-19 tăng vọt, thúc đẩy chuyển đổi số, phương thức kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Dịch bệnh đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn thanh toán không tiền mặt, giúp giảm tiếp xúc trực tiếp, tăng tiện ích, thanh toán mọi thời điểm, mọi khoảng cách... 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị và qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt phương thức Mobile Money được triển khai sẽ góp phần tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và có thể bao phủ đến vùng sâu, vùng xa. 

Mới đây hai nhà mạng VNPT và Mobifone đã được cấp phép thí điểm Mobile Money. Dịch vụ này cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch rộng khắp trên toàn quốc… mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng smartphone, không cần kết nối internet.

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 19.

 Việc Chính phủ đồng ý lộ trình mở cửa đón khách quốc tế và ngay sau đó Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đã giúp các doanh nghiệp đón khách quốc tế trở lại thí điểm từ tháng 11/2021. 

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 20.

Hiện hàng không đang chuẩn bị tái khởi động mạng bay quốc tế, trước mắt 9 thị trường được định hướng khơi thông nối lại các chuyến bay thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore. 

Khôi phục du lịch và mở đường bay quốc tế thu hút quan tâm cũng là bệ đỡ giúp phục hồi kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch.

THỰC HIỆN: HOÀI THƯƠNG