10 sự kiện nổi bật của tỉnh Kiên Giang năm 2022
Năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra dấu ấn nổi bật so với những năm trước đây. Có 25/25 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết, trong đó 18 chỉ tiêu vượt, 7 chỉ tiêu đạt.
Đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Năm 2022 tỉnh đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây và nằm trong Top 30 tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 68.436 tỷ đồng, đạt 116,64% kế hoạch, tăng 7,7%. Thu nhập bình quân đầu người 66,24 triệu đồng. Tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội gần 41.200 tỷ đồng, đạt 110,14% kế hoạch; thu ngân sách đạt 11.579 tỷ đồng, vượt 4,81% dự toán.
Toàn tỉnh có 107/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Phục hồi và phát triển nhanh du lịch sau dịch COVID-19
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi, thúc đẩy du lịch sau dịch COVID-19, năm 2022 tỉnh thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang đạt hơn 7,5 triệu lượt, tăng 142% so với cùng kỳ, vượt 35,15% kế hoạch năm; trong đó khách quốc tế đón trên 223.000 lượt, vượt 11,6% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 10.585 tỷ đồng, tăng 230,9% so với cùng kỳ, vượt 36,7% kế hoạch năm.
Đến nay, tỉnh đã thu hút 328 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích hơn 10.000 ha, vốn đầu tư hơn 380.000 tỷ đồng. Riêng TP Phú Quốc có 286 dự án đầu tư du lịch (chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh), với diện tích hơn 9.656 ha và tổng vốn đầu tư gần 374.500 tỷ đồng.
Khánh thành Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1)
Chiều 5/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khánh thành Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1). Công trình này được coi là "siêu cống" lớn nhất Việt Nam, khởi công xây dựng từ tháng 11/2019, có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Trong đó, cống Cái Lớn gồm 11 khoang cống và 1 âu thuyền rộng 15 mét, tổng chiều rộng thông nước 455 mét; cống Cái Bé gồm 2 khoang cống, 1 âu thuyền rộng 15 mét, tổng chiều rộng thông nước 85 mét.
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé không chỉ phục vụ kiểm soát mặn 5 tỉnh bán đảo Cà Mau là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang, mà còn là điểm nhấn kiến trúc ở khu vực miền Tây Nam bộ. Ngoài ra, cụm công trình này kết hợp với tuyến đê Biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Khánh thành đường dây tải điện 220 kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc
Ngày 14/10/2022, tỉnh Kiên Giang và Tổng công ty Điện lực miền Nam tổ chức Lễ đóng điện vận hành cấp điện áp 110 kV giai đoạn 1 của công trình đường dây 220 kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc. Đây là đường dây vượt biển trên không, cấp điện áp 220 kV dài nhất khu vực Đông Nam Á, được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam.
Đường dây tải điện 220 kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc có tổng mức đầu tư hơn 2.221 tỷ đồng, quy mô gồm 2 mạch có tổng chiều dài 80,4 km, 169 vị trí cột. Trong đó, đoạn trên bờ thuộc huyện Kiên Lương dài 12,8 km với 39 vị trí cột; đoạn trên biển dài 64,7 km với 117 vị trí cột; đoạn trên đảo Phú Quốc dài 2,9 km với 13 vị trí cột.
Công trình giúp cho việc cung cấp điện trên địa bàn thành phố Phú Quốc được tốt hơn, giảm tổn thất điện năng; đồng thời tạo điều kiện quan trọng để Phú Quốc phát triển vững mạnh về kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng.
Khởi công xây dựng đường bộ ven biển Hòn Đất - Kiên Lương
Ngày 14/12/2022, tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình đường bộ ven biển từ Hòn Đất đi Kiên Lương, với tổng mức đầu tư gần 1.480 tỉ đồng, quy mô đường cấp III đồng bằng. Công trình có mặt đường rộng 7 mét, nền đường rộng 12 mét và chiều dài gần 40 km; dọc tuyến đường sẽ xây dựng mới 34 cầu bằng bê tông cốt thép, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, an toàn giao thông… Dự kiến thời gian hoàn thành công trình không quá 800 ngày, kể từ ngày khởi công.
Tuyến đường bộ ven biển Hòn Đất - Kiên Lương sẽ tạo ra trục giao thông động lực, tạo không gian phát triển về phía Tây Bắc của tỉnh, nối TP Rạch Giá với TP Hà Tiên, giảm áp lực giao thông trên tuyến quốc lộ 80. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.
Thành phố Hà Tiên và huyện Vĩnh Thuận về đích nông thôn mới
Ngày 14/7/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hà Tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Qua 10 năm, thành phố huy động vốn xây dựng nông thôn mới được trên 660 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước 424 tỷ đồng, còn lại do nhân dân và doanh nghiệp đóng góp. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm còn 0,76%.
Ngày 15/7/2022, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Vĩnh Thuận đạt chuẩn NTM năm 2020. Qua 10 năm, huyện huy động vốn xây dựng NTM được trên 3.325 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 2,81%.
Khánh thành Đền thờ liệt sĩ và khởi công xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại Phú Quốc
Ngày 29/4/2022, UBND tỉnh tổ chức Lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ Phú Quốc, tại khu phố 10, phường Dương Đông. Công trình xây dựng gồm không gian thờ liệt sĩ bên tả và bên hữu, hậu cung thờ Bác Hồ, không gian hành lễ. Đền thờ là công trình văn hóa - lịch sử, là biểu tượng để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các anh hùng liệt sĩ; đồng thời là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong ngày 29/4/2022, UBND tỉnh tổ chức Lễ động thổ xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường trung tâm TP Phú Quốc. Tượng đài Bác Hồ với tổng chiều cao 20,7 mét, trong đó chiều cao tượng đài Bác Hồ 18 mét, với chất liệu đồng. Dự kiến, công trình Tượng đài Bác Hồ khánh thành vào năm 2024, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người. Công trình Tượng đài Bác Hồ tại TP Phú Quốc mang ý nghĩa chính trị và văn hóa đặc biệt, là nơi tôn vinh công lao to lớn của Người.
Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh Kiên Giang lần thứ IX
Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh Kiên Giang lần thứ IX khai mạc ngày 19/9/2022 và bế mạc vào ngày 24/9/2022. Đại hội tổ chức thi đấu 18 môn thể thao, khởi tranh từ tháng 3 đến tháng 9/2022, với hơn 1.700 vận động viên tham gia tranh tài 164 bộ huy chương. Ban Tổ chức đại hội đã trao 151 huy chương vàng, 151 huy chương bạc và 147 huy chương đồng cho các vận động viên đạt thành tích.
Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy sâu rộng phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề làm nước mắm Phú Quốc"
Ngày 16/12/2022, tại TP Phú Quốc, UBND tỉnh tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề làm nước mắm Phú Quốc". Đây là sự kiện quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng, phát triển thương hiệu, khả năng gia nhập thị trường trong và ngoài nước của các sản phẩm nước mắm Phú Quốc.
Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc được hình thành từ hơn 200 năm nay. Năm 2012, sau nhiều nỗ lực, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý tại 28 nước liên minh châu Âu. Năm 2017, Nhà nước công nhận nghề và làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm ở Phú Quốc. Đến tháng 5/2021, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống tri thức dân gian "Nghề làm nước mắm Phú Quốc". Phú Quốc hiện có hơn 7.000 thùng gỗ chượp cá, mỗi thùng có sức chứa từ 12 - 15 tấn cá; hằng năm sản xuất từ 20 - 30 triệu lít nước mắm từ 25 độ đạm trở lên.
Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Kiên Giang năm 2022
Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Kiên Giang năm 2022 diễn ra từ ngày 29-31/8/2022, nhằm xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng, quân sự địa phương. Cuộc diễn tập có quy mô lớn với sự tham gia của hơn 4.000 lực lượng và trên 500 phương tiện, trong đó có lực lượng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Trung đoàn Không quân 917 (Sư đoàn 370), Tiểu đoàn Đặc công (Quân khu 9). Ban Chỉ đạo diễn tập tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, lực lượng đã tham gia diễn tập nghiêm túc, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hoàn thành tốt nội dung, ý định cuộc diễn tập, đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt.
Văn Dương - Hồng ÂnGiá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.