10 tháng, có 70 doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Theo Bộ Tài chính, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 10 phát hành tăng. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, lượng TPDN phát ra đạt 180,4 nghìn tỷ đồng, giảm 45,1% so với năm ngoái.
Theo thông tin của Bộ Tài chính trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tình hình thị trường TDPN riêng lẻ trong tháng 10 đã có nhiều khởi sắc. Trong tháng 10, khối lượng phát hành là 41 nghìn tỷ đồng, tăng 17 nghìn tỷ đồng so với tháng 9 (23,4 nghìn tỷ đồng).
Tính chung trong 10 tháng, có 70 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 180,4 nghìn tỷ đồng (giảm 45,1% so với cùng kỳ năm 2022); khối lượng mua lại trước hạn là 190,7 nghìn tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022). Kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (5/3/2023), khối lượng phát hành là 179,5 nghìn tỷ đồng.
Từ đầu năm các DN đã mua lại lượng TP trước hạn là 190,7 nghìn tỷ (cao hơn tổng số phát hành). Riêng trong tháng 10/2023, các doanh nghiệp đã mua lại khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng.
Nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp trong 10 tháng đầu năm 2023 là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 95% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 61%), các nhà đầu tư cá nhân mua 5%. Trên thị trường thứ cấp tính đến 30/6/2023, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 28,5% tổng dư nợ TPDN riêng lẻ (tương đương khoảng 285,6 nghìn tỷ đồng). Khối lượng đáo hạn năm 3 tháng cuối năm 2023 là 61,6 nghìn tỷ đồng.
Để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ tổng thể các giải pháp điều hành.
Bộ đã nêu ra 7 nhóm giải pháp chính, bao gồm: Thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; theo dõi thanh toán TPDN đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát; rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan; nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức; tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của UBCKNN và NHNN.
Các giải pháp nêu trên đã được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt và giao các Bộ ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Về phía Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã và đang phân công các đơn vị chuyên môn triển khai, đảm bảo thực hiện hiệu quả các giải pháp đã được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt.
Nhật HàViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.