10 tháng, du lịch Việt Nam đón gần 10 triệu lượt du khách quốc tế
Tháng 10/2023, Việt Nam đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung 10 tháng của năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt.
Với những nỗ lực vượt khó của toàn ngành du lịch trong thời gian qua triển khai các hoạt động phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến quảng bá…, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt xa kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 10 tháng đầu qua với 2,9 triệu lượt. Khách từ thị trường Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2. Lượng khách từ 2 thị trường này chiếm 42% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tiếp theo là Mỹ đứng thứ 3; Đài Loan (Trung Quốc) đứng vị trí thứ 4, Nhật Bản xếp thứ 5.
Với ASEAN, 3 thị trường đứng đầu là Thái Lan (392.000 lượt); Malaysia (372.000 lượt); Campuchia (326.000 lượt). Thị trường Australia và Ấn Độ cùng đạt 314.000 lượt.
Với châu Âu, 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam lần lượt là Anh, Pháp và Đức. Thị trường Nga đạt 98.000 lượt.
Trong tháng 10/2023, hầu hết các những thị trường lớn đều tăng trưởng, trong đó: Hàn Quốc (+3,4%), Mỹ (+8,9%), Trung Quốc (+6,8%) tăng nhẹ. Động lực lớn đến từ thị trường Thái Lan (+35,1%), Đài Loan, Trung Quốc (+18,7%), Úc (+17,2%), Ấn Độ (+15,5%).
Các thị trường chính ở châu Âu tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt so với tháng 9, gồm có: Anh (+12,9%), Pháp (+11,6%), Đức (+16,7%). Một số thị trường khác quy mô nhỏ nhưng có mức tăng khá cao như: Đan Mạch (61,7%), Thụy Sĩ (+54,1%), Phần Lan (+42,8%), Thụy Điển (+30,3%)...
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, trong thời gian còn lại của năm, ngành du lịch còn rất nhiều dư địa để vượt xa mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, nhất là khi nhiều quyết sách đã và đang phát huy hiệu quả, như Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Nghị quyết về chính sách thị thực, có hiệu lực từ ngày 15/8; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 hay Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm…
"Ngành du lịch các địa phương cần tận dụng kinh tế đêm nói chung, hay du lịch đêm để tăng thêm sự trải nghiệm của du khách; tạo nên sự hấp dẫn, tăng sức cạnh tranh của điểm đến du lịch…, từ đó tạo ra nguồn lực đóng góp lớn cho kinh tế đất nước", ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, thông tin.
Trong tháng 9, Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 phù hợp với tình hình thực tế để tạo đột phá hơn nữa. Từ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên khoảng 12 - 13 triệu lượt, nhằm tạo động lực mới góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch hiệu quả, bền vững.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.