10 tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ vượt 13 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
08:36 AM 12/11/2024

Nhờ đẩy mạnh tăng trưởng về xuất khẩu, đồ gỗ Việt Nam đang tiếp tục chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ hàng đầu thế giới.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM), hoạt động xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực xuất nhập khẩu. 

Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm về gỗ. Ảnh: Thương Gia

Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm về gỗ. Ảnh: Thương Gia

Trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt mức tăng trưởng ấn tượng, riêng trong tháng 10 ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 20% so với tháng 9 và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả 10 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã đạt 13,2 tỷ USD, tăng gần 21% so với năm 2023, tiến sát mục tiêu 14,2 tỷ USD của cả năm 2024.

Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.

Nhờ đẩy mạnh tăng trưởng về xuất khẩu, đồ gỗ Việt Nam đang tiếp tục chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ hàng đầu thế giới. Hiện, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.

Dù đạt kết quả khá tích cực, song xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ và EU đang giảm nhu cầu nhập khẩu, do kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Các đơn hàng từ các thị trường này giảm mạnh.

Đáng chú ý, áp lực về nguồn gốc gỗ và sản xuất bền vững buộc nhà xuất khẩu phải chứng minh nguồn gốc gỗ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về xuất xứ và bảo vệ môi trường.

Một số thị trường như Mỹ đang điều tra các vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ từ Việt Nam, đặc biệt là đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ các quốc gia khác như gỗ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi xuất sang Mỹ, khiến các doanh nghiệp gỗ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt thuế suất cao nếu bị kết luận vi phạm.

Mặc dù chi phí vận chuyển đường biển đã giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt container và những hạn chế trong hệ thống logistics cũng làm gia tăng các khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Các công ty trong lĩnh vực logistics và vận chuyển biển đang phải đối mặt với chi phí ngày càng tăng do lạm phát và tình trạng thiếu hụt lao động.

Dù nhu cầu từ thị trường Mỹ và EU giảm, ngành gỗ Việt Nam vẫn có thuận lợi nhờ sự tăng trưởng đáng kể của thị trường Trung Quốc. Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA và RCEP đã mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường mới, đồng thời hưởng lợi từ việc giảm bớt thuế quan.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Đồng ý đưa sân bay Gia Bình vào quy hoạch cảng hàng không Đồng ý đưa sân bay Gia Bình vào quy hoạch cảng hàng không

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch.