1.000 năm lưu giữ vẻ đẹp Việt của làng nghề may áo dài Trạch Xá

Tiếp thị số
08:02 AM 26/10/2022

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km, làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống. Đây là ngôi làng vẫn giữ được truyền thống may áo dài thủ công mà mũi chỉ vẫn đều, thẳng tắp, tà áo mềm mại, thướt tha, khoe được nét duyên dáng, quyến rũ của phụ nữ Việt Nam.

Làng Trạch Xá, tên Nôm là Trầm Che, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Trầm Lộng, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng; đầu thế kỷ XX thuộc tổng Trầm Lộng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông; nay là thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Ngôi làng này cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km.

Người dân ở Thăng Long vốn được gọi là dân tứ chiếng, dân Kẻ Chợ. Bởi người bốn phương đổ về đông đúc, người buôn kẻ bán tấp nập. Thăng Long trở thành nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa. Xưa, các làng nghề đua nhau chở hàng về kinh thành theo các chợ phiên, nhất là các làng nghề ở quanh kinh đô.

1.000 năm lưu giữ vẻ đẹp Việt của làng nghề may áo dài Trạch Xá - Ảnh 1.

Lễ giỗ Tổ nghề may tại làng Trạch Xá. Ảnh: Duyên dáng Việt Nam

Có lẽ không nơi nào ở nước ta thời ấy có nhiều làng nghề và khéo tay như ở đất Sơn Nam thượng tức tỉnh Hà Đông cũ. Và Kẻ Chợ dĩ nhiên là thị trường lớn nhất màu mỡ nhất. Thế là họ rủ nhau mang hàng ra Kẻ Chợ chào hàng. Họ tập hợp nhau lại trở thành phường hội.

Ban đầu chỉ là bán theo phiên chợ, sau buôn bán phát tài nếu cứ đi đi, về về thì rất bất tiện, họ bèn mua đất làm kho chứa, rồi làm cửa hàng. Họ là những người đầu tiên, những thành phần chính lập nên những phố nghề, làng nghề chuyên bán các mặt hàng của mình.

Trải qua năm tháng các phố ấy trở thành phố cổ và họ là phần tích cực, chủ chốt lập nên các phố ấy ở Hà Nội. Phố Lương Văn Can và nghề may áo dài ở Trạch Xá, huyện Ứng Hòa là một trong những trường hợp như thế.

Phần đa các hiệu may đều có nguồn gốc từ nghề may làng Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội. Trước năm 1980 nghề may áo dài truyền thống ở Trạch Xá phát triển mạnh mẽ. Chiếc áo dài truyền thống của người Trạch Xá bao giờ cũng mềm mại hơn, tha thướt và thực sự quyến rũ, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

1.000 năm lưu giữ vẻ đẹp Việt của làng nghề may áo dài Trạch Xá - Ảnh 2.

Áo dài làng nghề Trạch Xá mềm mại, thướt tha, quyến rũ. Ảnh: FB Áo dài làng nghề Trạch Xá.

Để may được một chiếc áo dài đẹp đòi hỏi thợ may phải rất kỹ lưỡng từ việc lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến họa tiết trang trí. Điều này đòi hỏi người thợ may phải đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi”. Khác với cách khâu thông thường, người làng Trạch Xá có bí quyết cầm kim tay dọc độc đáo.

Một nghệ nhân trong làng mô tả: Người Trạch Xá cầm kim mà như không cầm. Lúc khâu, ngón trỏ bàn tay phải người thợ có nhiệm vụ giữ chắc mũi kim, đồng thời dùng lực ngón giữa của tay phải đẩy cây kim còn các các ngón tay trái sẽ làm nhiệm vụ điều chỉnh vải và điều hướng cho mũi kim bằng cách chuyển động mặt vải lên xuống nhịp nhàng.

Với kiểu cầm kim tay dọc, người Trạch Xá khi khâu áo không hề nhìn thấy kim. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo không lộ đường chỉ mà phẳng như dán hồ, còn mặt ngoài vải, có các mũi chỉ thằng hàng, đều tăm tắp như phô trứng rận. 

1.000 năm lưu giữ vẻ đẹp Việt của làng nghề may áo dài Trạch Xá - Ảnh 3.

Các nghệ nhân đi trước của làng Trạch Xá chủ yếu truyền lại nghề cho đàn ông, con trai trong gia đình. Ảnh: Nghề nghiệp và Cuộc sống

Ưu điểm của kĩ thuật này là tạo nên những mũi khâu đều, được các bậc cao niên đúc kết là “trong dán hồ, ngoài phô trứng rận” cùng với việc sử dụng chỉ từ chính những sợi tơ tằm gỡ ra từ tấm vải may áo dài đó, khiến cho tà áo mềm mại và nhẹ nhàng tung bay khi mặc lên người.

Trước đây, áo dài của làng Trạch Xá được làm thủ công hoàn toàn. Hiện nay, mặc dù có sự hỗ trợ của máy móc nhưng những người thợ của làng vẫn chú tâm các bước thủ công trong việc gia công sản phẩm. Vì phần lớn các thao tác được làm thủ công nên để hoàn thiện một sản phẩm tùy thiết kế, mất từ một vài ngày đến chục ngày, thậm chí hơn.

Một điểm độc đáo ở làng nghề Trạch Xá là các nghệ nhân đi trước chủ yếu truyền lại nghề cho đàn ông, con trai trong gia đình, và truyền thống đó lưu giữ đến tận hôm nay. Do đó, một thời gian dài, làng Trạch Xá còn được xem là “Làng đàn ông may áo dài”. Khi xã hội thay đổi quan niệm, người phụ nữ đã được bình đẳng làm nghề như nam giới.

1.000 năm lưu giữ vẻ đẹp Việt của làng nghề may áo dài Trạch Xá - Ảnh 4.

Các họa tiết hoa sẽ được phác trước khi thêu. Công đoạn thêu đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn.

Năm 2004, làng Trạch Xá được UBND tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) công nhận là “Làng may áo dài truyền thống”. Trong làng, có rất nhiều thợ giỏi được công nhận là nghệ nhân. Sản phẩm của làng Trạch Xá đã tham dự nhiều hội chợ làng nghề của Hà Nội. Hiện, Trạch Xá không chỉ là một làng nghề truyền thống mà còn là địa điểm văn hóa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Để may được một chiếc áo dài đẹp đòi hỏi thợ may phải rất kỹ lưỡng từ việc lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến họa tiết trang trí. Ảnh: Sưu tầm

Đã có rất nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến Trạch Xá, không chỉ để đặt mối quan hệ hợp tác đưa sản phẩm Áo dài của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới. Hiện nay do kinh tế phát triển, làng không những may áo dài, áo tế, áo tượng mà còn làm chăn, gối, áo bông, trang phục cho các bộ phim của Trung Quốc và xuất khẩu các sản phẩm sang Hàn Quốc, Mông Cổ...

Tà áo dài thướt tha, duyên dáng đã trở thành nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Văn hóa kinh đô nghìn năm văn hiến đã tạo ra nếp sống hào hoa thanh lịch, luôn luôn vươn tới cái đẹp, cái sang trọng, trong đó có phần đóng góp của người thợ tài hoa, tinh tế xuất thân từ làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá.

An Mai
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.