11 tháng, Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương

Xuất nhập khẩu
11:00 AM 17/12/2024

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong 11 tháng năm 2024 đạt gần 1,98 triệu tấn, trị giá gần 1,02 tỷ USD, giá trung bình 513,7 USD/tấn, tăng 19,6% về lượng, nhưng giảm 3% kim ngạch và giảm 18,9% về giá so với 11 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, riêng tháng 11/2024 đạt 163.416 tấn, tương đương 81,17 triệu USD, giá trung bình 496,7 USD/tấn, giảm trên 26% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 10/2024, nhưng giá tăng nhẹ 0,7%; so với tháng 11/2023, nhập khẩu đậu tương tăng mạnh 268,7% về lượng, tăng 175,3% về kim ngạch nhưng giảm 25,3% về giá.

11 tháng, Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương- Ảnh 1.

Về thị trường, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam, chiếm 54,3% trong tổng lượng và chiếm 52,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, đạt 1,07 triệu tấn, tương đương gần 535,76 triệu USD, giá 498,7 USD/tấn, tăng 20% về lượng, tăng 0,93% kim ngạch nhưng giảm 15,9% về giá so với 11 tháng đầu năm 2023.

Thị trường lớn thứ 2 là Mỹ, trong 11 tháng năm 2024 đạt 713.735 tấn, tương đương 370,03 triệu USD, giá 518,5 USD/tấn, chiếm trên 36% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, tăng 23,5% về lượng, nhưng giảm 5,6% về kim ngạch và giá giảm 23,6% so với 11 tháng năm 2023.

Tiếp đến là thị trường Canada cung cấp 116.073 tấn, tương đương 68,88 triệu USD; Campuchia cung cấp 15. 980 tấn, tương đương 11,715 triệu USD.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương. Nhờ giá đậu tương giảm cùng với giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi được hưởng lợi kép từ đầu năm đến nay.

Trong tổng số đậu tương hạt nhập khẩu, 80% sử dụng cho ép dầu, 5% để sản xuất thức ăn chăn nuôi và 15% làm thực phẩm cho người.

Những tháng đầu năm 2024, thị trường đậu tương đã chứng kiến một loạt các yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến giá cả. Từ tình hình thời tiết không ổn định đến biến động trong sản xuất và cung cấp, tất cả đã tạo ra một bức tranh đa chiều về xu hướng giá đậu tương.

Tại Việt Nam, đậu tương được trồng ở 26 tỉnh, thành trên cả nước; trong đó khoảng 87,8% ở miền Bắc và 12,2% ở miền Nam. Diện tích đậu tương ở miền Bắc chiếm khoảng 58,8% được trồng ở vùng cao, những nơi đất không màu mỡ, 41,2% được trồng ở những vùng đất thấp ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng đậu tương ở nước ta từ hơn 200 nghìn ha năm 2010, đến nay chỉ còn 20 nghìn ha/năm, điều này góp phần khiến nhập khẩu đậu tương tăng mạnh.

Để phục hồi và phát triển sản xuất đậu tương, các chuyên gia đề xuất, cần quy hoạch, đầu tư hạ tầng đặc biệt các công trình tưới tiểu thủy nông cho các vùng sản xuất đậu tương. Đồng thời, tăng cường công tác nghiên cứu về giống, biện pháp canh tác và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu. Xây dựng chính sách hỗ trợ kỹ thuật, giống, vật tư cho người nông dân, tăng cường vai trò của doanh nghiệp cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Ngoài ra, phải xây dựng được vùng sản xuất hạt giống đậu tương đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để phục vụ cho sản xuất. Nhà nước cần đầu tư tập trung và có chính sách nhằm kích cầu cho cây đậu tương, hỗ trợ các địa phương về trang thiết bị máy móc công nghệ phục vụ sản xuất, đặc biệt cho đậu tương đông. Cần đầu tư kinh phí hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học về chọn tạo giống mới và hoàn thiện các quy trình sản xuất cây đậu tương đạt năng suất cao.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn