117 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt đề án cơ cấu lại

Doanh nghiệp
09:42 AM 05/01/2025

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, đến hết năm 2024 đã hoàn thành một số mục tiêu đề ra tại Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có 117/667 doanh nghiệp được phê duyệt đề án cơ cấu lại.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chủ trì Hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo về tình hình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2026, các nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, đến hết năm 2024 đã hoàn thành một số mục tiêu đề ra tại Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đã có 117/667 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 17% tổng số lượng, được phê duyệt đề án cơ cấu lại.

117 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt đề án cơ cấu lại- Ảnh 1.

17% doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt tái cơ cấu/Ảnh minh họa, internet

Sau sắp xếp, cơ cấu lại, doanh nghiệp nhà nước cơ bản tập trung trong những ngành, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ. Các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế cơ bản hoạt động có hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển theo kế hoạch được giao; tập trung rà soát để đổi mới về quản trị, tài chính, nhân sự, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh.

Đến nay, đã hoàn thành cơ bản, báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương về phương án xử lý đối với toàn bộ 12/12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương. Các cơ quan, doanh nghiệp đang quyết liệt triển khai xử lý dứt điểm theo kết luận của Bộ Chính trị; có 4 dự án Đạm có lãi, trả nợ đúng hạn.

Các tập đoàn lớn như PVN, Viettel, VNPT, VRG, EVN, và Agribank đã kiến nghị tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thoái vốn, cơ sở pháp lý cho đầu tư nước ngoài, và quy định về quản lý doanh nghiệp, chính sách thuế, cũng như đầu tư vào nguồn điện.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh rằng, năm 2024 một số nhiệm vụ quan trọng theo Quyết định 360 vẫn chưa đạt yêu cầu. Các khó khăn lớn nằm ở việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá đất, gây chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa. Ông yêu cầu các bộ, ngành rà soát, đánh giá thực tế, và sửa đổi các quy định pháp luật để phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện quản trị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Ban Chỉ đạo được giao nhiệm vụ phối hợp với các doanh nghiệp để xác định rõ các "địa chỉ" vướng mắc và đưa ra giải pháp hiệu quả.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu phải hoàn thành việc phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 360 trong quý I năm nay. Lãnh đạo bộ, ngành và địa phương được yêu cầu chịu trách nhiệm về tiến độ, đảm bảo kế hoạch sát thực tế và khả thi.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn