12 tuyến cao tốc được phân kỳ và sẽ đầu tư, mở rộng giai đoạn tới

Tài chính - Đầu tư
09:10 AM 19/12/2023

Năm tuyến cao tốc có hai làn xe gồm Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ được đầu tư mở rộng trước.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đánh giá, nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ đầu tư.

Bộ GTVT cho biết, đến nay đã đưa vào khai thác 12 tuyến với tổng chiều dài 743 km, chiếm 40% tổng chiều dài đường bộ cao tốc đang khai thác.

Trong số này có 5 tuyến cao tốc 2 làn xe với chiều dài 371 km gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới. Có 7 tuyến 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục với chiều dài 372 km gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận.

12 tuyến cao tốc được phân kỳ và sẽ đầu tư, mở rộng giai đoạn tới- Ảnh 1.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 5 tuyến cao tốc có 2 làn xe sẽ được đầu tư mở rộng trước. Ảnh: Internet

Báo cáo Chính phủ về việc rà soát, nghiên cứu nâng cấp các tuyến đường cao tốc đang phân kỳ đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã xin ý kiến cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư mở rộng ba tuyến cao tốc. Trong đó, tuyến La Sơn - Hòa Liên (Thừa Thiên Huế) từ 2 lên 4 làn xe; mở rộng theo quy hoạch 6 làn xe các tuyến Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) bằng nguồn tăng thu ngân sách năm 2022, mở rộng tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) theo hình thức PPP.

Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đã được Thủ tướng giao UBND tỉnh Hòa Bình nghiên cứu mở rộng từ 2 lên 4 làn xe theo hình thức đối tác công tư PPP. Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC) đang nghiên cứu phương án huy động vốn, hình thức đầu tư mở rộng đoạn tuyến Yên Bái - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai từ 2 lên 4 làn xe.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam theo dõi lưu lượng xe tại các đoạn tuyến còn lại gồm: Cam Lộ - La Sơn, Thái Nguyên - Chợ Mới, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Từ đó, Cục nghiên cứu nâng cao tốc độ khai thác, ứng dụng công nghệ trong quản lý để điều tiết giao thông, xử lý kịp thời các sự cố. Bộ sẽ rà soát, lập danh mục, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực.

Các dự án đầu tư xây dựng mới sẽ ưu tiên theo quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh. Trường hợp phân kỳ đầu tư, Bộ sẽ nghiên cứu, so sánh kỹ các phương án, tổ chức giao thông bảo đảm an toàn, nâng cao tốc độ trong quá trình vận hành.

Giải thích về việc đầu tư mở rộng 12 dự án cao tốc, Bộ GTVT cho biết, trước đây những dự án này được phân kỳ đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải trong giai đoạn lưu lượng xe chưa lớn, khoảng 5.000 - 6.000 xe mỗi ngày đêm. Điều này đặc biệt hiệu quả với các tuyến cao tốc kết nối các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn, thời giai khai thác phân kỳ 6 - 10 năm. Ngoài ra, do nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách khó khăn, việc phân kỳ đầu tư sẽ giảm 30 - 50% tổng mức đầu tư dự án.

Tuy nhiên, việc phân kỳ đầu tư hai làn xe, không bố trí dải phân cách giữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố; tốc độ khai thác giai đoạn phân kỳ đầu tư chưa cao, khoảng 80 - 90 km/h.

Trong bối cảnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến cao tốc đều được quy hoạch với quy mô 4 - 10 làn xe, tốc độ khai thác 80 - 120 km/h. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo không đầu tư đường bộ cao tốc hai làn xe gây lãng phí vốn đầu tư, khai thác không hiệu quả.

Vì vậy, Bộ GTVT và các địa phương đã rà soát, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 12 tuyến cao tốc được phân kỳ đang khai thác.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.