120 ngày thất nghiệp khiến tôi cay đắng nhận ra: Chăm chỉ không phải kỹ năng để kiếm tiền!
Thất nghiệp 1 tuần thì vui, chứ thất nghiệp vài tháng thì câu chuyện sẽ khác rất nhiều.
*Tạ Hiểu Dương là một cô gái từng du học lấy bằng Thạc sĩ tại nước ngoài và quyết định quay trở lại thành phố Bắc Kinh để sinh sống, làm việc. Mọi sự rất suôn sẻ cho tới đầu năm nay, khi Hiểu Dương quyết định xin nghỉ việc để có một khoảng thời gian tập trung chăm sóc bản thân. Dưới đây là bài tâm sự của cô về 120 ngày thất nghiệp “tưởng đơn giản mà lại trắc trở vô cùng”.
Tự tin nghỉ việc
Tôi nghỉ việc cũ sau 5 năm làm quản lý vận hành tại một công ty logistics với quy mô nhân sự khoảng 3000 người. Lý do rất đơn giản: Lúc ấy, tôi thấy quá mệt, cũng không còn nhìn ra cơ hội phát triển hay thăng tiến của bản thân nếu tiếp tục ở lại.
Dù sao thì 5 năm cũng là một khoảng thời gian đủ dài để hiểu mình, hiểu bộ máy cơ cấu của doanh nghiệp. Thế nên tôi quyết định sẽ dừng lại với một sự tự tin “việc xin đâu chẳng được vì mình có kinh nghiệm, có bằng cấp, có ngoại ngữ mà”.

Ảnh minh họa
Thứ 2 của tuần đầu tiên không bị bó buộc với công việc, deadline, tôi vui như Tết. Tôi lên kế hoạch, dự định sẽ đi chơi và nghỉ ngơi 2 tháng rồi mới bắt đầu rải CV, tìm việc với. Thế nhưng mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ.
Chơi được khoảng 3 tuần thì tôi bắt đầu chán. Tôi nghĩ “ok, vậy thì mình tìm việc sớm hơn dự định chút cũng đâu có sao”. Nhưng vấn đề là những email xin việc tôi gửi đi đều… bặt vô âm tín. CV gửi 10 nơi thì 8 nơi không phản hồi, 1 nơi trả lời… “hẹn lần sau” và 1 nơi gọi đi phỏng vấn.
Hiện thực đó khiến tôi vỡ mộng, bàng hoàng kinh khủng. Cảm giác bản thân từng là “người có giá” mà giờ thậm chí còn không qua nổi vòng gửi CV thật sự ê chề. Nhưng chính lúc ấy, tôi bắt đầu bình tĩnh lại, nhìn kỹ vào điểm yếu thật sự của mình và nhận ra mình thiếu những kỹ năng “chí mạng”.
Thiếu 3 kỹ năng này, bảo sao người ta tìm được việc lương cao còn tôi thì không!
1 - Kỹ năng tự quảng bá bản thân
Tôi luôn nghĩ chỉ cần mình giỏi thì người ta sẽ tìm đến nhưng đương nhiên, hơn 120 ngày thất nghiệp đã cho tôi câu trả lời rõ ràng đến mức không thể phủ nhận: Giỏi đến mấy mà không biết thể hiện thì vẫn sẽ bị lãng quên.
Lần đầu tiên tôi thấy rõ điều này là khi xem một người bạn cùng ngành làm portfolio. Cậu ấy chỉ mới có 2 năm kinh nghiệm, nhưng hồ sơ chỉn chu, từ cách viết tiêu đề email đến cách đàm phán lương đều rất mượt. Trong khi tôi - người có 5 năm kinh nghiệm, bằng cấp cao hơn lại ậm ừ khi được hỏi: “Tại sao bên tôi nên tuyển bạn?”.

Ảnh minh họa
Tôi nhận ra, mình chưa từng học cách trình bày giá trị bản thân, chưa từng nghĩ đến việc đóng gói kinh nghiệm sao cho hấp dẫn. Viết CV theo mẫu có sẵn, trả lời phỏng vấn kiểu kể lại lý lịch, đó đơn thuần chỉ là liệt kê lại những thông tin vốn đã có, chẳng ai muốn nghe.
2 - Kỹ năng tiếp nhận thông tin, xử lý vấn đề
Tôi từng rất tự hào vì mình làm việc chăm chỉ. Nhưng sau khi thất nghiệp, tôi mới nhận ra chăm chỉ không phải kỹ năng kiếm tiền. Người ta không trả lương cho sự cố gắng. Người ta trả lương cho ai giải quyết được vấn đề.
Lúc đi làm, tôi hay đổ lỗi cho môi trường sếp khó tính, đồng nghiệp lười, quy trình rối rắm. Nhưng chính vì vậy, tôi quen với việc làm theo yêu cầu chứ không học cách nhìn một vấn đề và nghĩ: “Làm sao để chỗ này hiệu quả hơn? Làm sao để giảm chi phí? Làm sao để tăng năng suất?”.
Trong các buổi phỏng vấn, khi được hỏi: “Bạn từng cải tiến gì trong công việc cũ chưa?”, quả thực tôi chỉ biết câm nín. Không phải tôi chưa từng làm việc tốt, mà là tôi không có tư duy giải quyết vấn đề, tôi chỉ cố làm cho xong.

Ảnh minh họa
Người kiếm được nhiều tiền luôn là người nhìn thấy “lỗ rò” trong hệ thống và biết cách vá lại. Dù bạn làm freelancer, nhân viên hay giám đốc, thì năng lực nhìn thấy vấn đề và giải quyết nó luôn là chìa khóa để có được công việc cũng như mức thu nhập tốt.
3 - Kỹ năng tự tạo ra cơ hội
Một sai lầm rất lớn của tôi là luôn ngồi chờ cơ hội đến. Đợi được tăng lương, đợi có dự án mới để đề xuất thăng chức, đợi người này chờ người kia giúp mình một tay,... Còn người kiếm được tiền, họ không ngồi đợi. Họ tạo ra cơ hội.
Tôi có một chị bạn vốn học trái ngành, không bằng cấp gì nổi bật nhưng vẫn có 2 công việc song song hàng tháng, thu nhập năm nào cũng tăng cùng lắm là giữ nguyên, chứ tuyệt nhiên không có chuyện giảm. Mọi người thường đùa rằng cứ chỗ nào có việc là chỗ đó chắc chắn có mặt chị.
Chị bảo tôi: “Cơ hội phải là do mình tự tạo ra, tự quan sát để nắm lấy chứ cuộc đời này, cơ hội tốt thì làm gì có ai nhường cho người khác bao giờ”.
Nghe mà như bừng tỉnh. Tôi từng quá bị động, quá sợ bị từ chối và quá ngây thơ nên mới tin rằng “hữu xạ tự nhiên hương”.
NGỌC LINH
Giá xăng, giá vật liệu xây dựng tăng đã đẩy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước. Tuy vậy, tính bình quân 6 tháng, mức tăng CPI chỉ là 3,27%.