14 hiệp hội góp ý Dự thảo quy định định mức chi phí tái chế
Các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng định mức chi phí tái chế (Fs) rất cao, chưa hợp lý và còn tính cả chi phí quản lý hành chính trong định mức, điều này gây khó khăn đến doanh nghiệp.
Mới đây, 14 hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam có văn bản góp ý đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính, để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Các đơn vị này gồm: Hiệp hội Lương thực và Thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội sữa Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, Hiệp hội nhựa Việt Nam...
Theo đó, các hiệp hội đưa ra những đánh giá và đề xuất cụ thể.
Trước hết là định mức chi phí tái chế (Fs) dựa vào các nghiên cứu tham vấn có kết quả chênh lệch nhau rất lớn. Công thức tính Fs chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được, bất lợi cho doanh nghiệp. Các hệ số Fs như Fs 0,3 cho giấy, chai nhựa cứng (PET) và nhôm; Fs 0,5 cho sắt thép… là không hợp lý.
Ngoài ra, các hiệp hội cho rằng, sắt thép, nhôm, bao bì giấy, PET phương tiện giao thông, các nhà tái chế các vật liệu này đều có lãi. Các vật liệu này đang tạo công ăn việc làm và lợi nhuận cho nhiều người lao động, doanh nghiệp, ít có nguy cơ với môi trường.
Do vậy, sẽ không hợp lý nếu yêu cầu nhà sản xuất đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế trong khi các đơn vị tái chế đó đang có lãi.
Dự thảo còn xếp loại phương tiện giao thông vào nhóm sản phẩm chưa có công nghệ tái chế phổ biến ở Việt Nam; hay giải thích việc áp dụng hệ số 1.0 đối với phương tiện giao thông… không có tính thuyết phục
Các hiệp hội đề xuất: áp dụng hệ số 0 cho các vật liệu có giá trị thu hồi được cao hơn chi phí tái chế (như mô hình Na Uy và Đan Mạch). Đối với các vật liệu khác có công thức tính riêng.
Bỏ chi phí quản lý hành chính ra khỏi định mức Fs, vì kéo theo khả năng sẽ tăng giá lớn đối với rất nhiều sản phẩm, hàng hóa. Ví dụ giá có thể tăng thêm 1,36% với nước uống đóng chai; 0,6% với bia lon; 0,2% đối với bịch sữa... gây khó cho người tiêu dùng trong lúc kinh tế khó khăn.
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, 14 hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị 4 vấn đề.
Đó là trong hai năm đầu tiên (năm 2024 và 2025) chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng. Cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức. Việc cho phép doanh nghiệp kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế là rất cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tìm giải pháp tái chế phù hợp. Việc cho phép này cũng phù hợp với chủ trương của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố là khuyến khích doanh nghiệp tự tái chế thay vì nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các hiệp hội cũng kiến nghị thay đổi cách nộp quỹ và có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế.
Các hiệp hội đề xuất cần có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. Với phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế được tính hệ số điều chỉnh Fs là 0. Còn các loại bao bì được thiết kế thân thiện với môi trường được tính hệ số Fs là 0,5.
Ngoài ra, các hiệp hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm tái chế đối với nhà sản xuất phụ tùng là nhà sản xuất, nhập khẩu hay người nắm giữ thương hiệu. Bất cập khi một số sản phẩm trong nước chưa tái chế được như pin Lithium bị giới hạn xuất khẩu không quá 20% khối lượng sản phẩm đưa ra thị trường.
Các hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cân nhắc bãi bỏ giới hạn xuất khẩu và làm rõ với bao bì chưa có giải pháp tái chế được tính theo nghĩa vụ xử lý chất thải hay nghĩa vụ tái chế.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.