15 doanh nghiệp khó trả nợ trái phiếu trong tháng 12

Tài chính - Đầu tư
08:55 AM 16/12/2024

Áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh với giá trị trái phiếu đến hạn trả nợ trong tháng 12 ở mức cao nhất trong năm 2024.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2024 đang chịu áp lực lớn từ đáo hạn và thanh khoản. Trái phiếu đáo hạn trong tháng 12 tăng mạnh với giá trị đến hạn ở mức cao nhất tính từ đầu năm đến nay.

15 doanh nghiệp khó trả nợ trái phiếu trong tháng 12- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: THCL

Theo báo cáo chiến lược tháng 12 của Mirae Asset, khoảng 50 trái phiếu dự kiến sẽ đáo hạn trong tháng cuối cùng của năm 2024, với tổng giá trị đáo hạn đạt khoảng 39.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 8.500 tỷ đồng đến từ lĩnh vực sản xuất; 7.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp xây dựng; 7.000 tỷ đồng khác từ lĩnh vực bất động sản; và các ngân hàng thương mại chiếm gần 6.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Mirae Asset đánh giá có khoảng 16 trái phiếu đến từ 15 doanh nghiệp khác nhau có khả năng sẽ không thể thanh toán đúng hạn và có thể sẽ cần phải dời thời hạn thanh toán theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP. 

Đặc biệt, có khoảng 105.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm bất động sản nhà ở, chiếm 45% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn. Trong số này, ước tính có khoảng 21.000 tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc.

Điểm chung của các doanh nghiệp này bao gồm: phần lớn đều hoạt động trong lĩnh vực phát triển bất động sản; thiếu minh bạch trong việc công bố thông tin và không có lịch sử hoạt động; kết quả kinh doanh không khả quan cùng với tỷ lệ đòn bẩy tài chính lớn; từng ghi nhận trái phiếu có trường hợp chậm trả lãi hoặc gốc.

Điều này cho thấy các áp lực về nợ trái phiếu đáo hạn tiếp tục tạo sức ép đối với các doanh nghiệp bất động sản (đặc biệt là các khoản nợ đến từ các khoản trái phiếu “3 không” - không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán và không có tài sản bảo đảm), vốn đã từng gặp khó khăn khi thị trường bất động sản rơi vào trạng thái đóng băng do vấn đề về pháp lý, khả năng hấp thụ dự án mới suy giảm và tình trạng vỡ nợ trái phiếu hoặc buộc phải thương lượng với trái chủ nhằm dời thời hạn thanh toán.

Mirae Asset lưu ý một số trái phiếu sắp đáo hạn có khả năng sẽ gặp rủi ro thanh toán hoặc rơi vào tình trạng chậm trả trong tháng 12/2024 thuộc tổ chức phát hành: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (6.575 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (240 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Đại Phú Hòa (3.560 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (400 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (HNX: IPA, 310 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường (1.400 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 (110 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Thương mại Dịch Vụ Hoa Lâm An (700 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Tập đoàn Ngọc Thiên Global (453 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (300 tỷ đồng)…

Bên cạnh đó, tháng 12/2024 cũng có nhiều tổ chức phát hành có trái phiếu đáo hạn như Golf Long Thành, F88, Masan Consumer, Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu, Sunbay Ninh Thuận, Sunrise Việt Nam, BIDGroup... cùng với nhiều trái phiếu đến kỳ đáo hạn của các ngân hàng BVBank, Bắc Á Bank...

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.