161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận xuất khẩu gạo

Kinh doanh
09:35 AM 25/01/2024

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa thông tin, tính đến ngày 22/1/2024, cả nước có 161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu với 36 thương nhân đủ điều kiện (giảm 1 thương nhân so với danh sách công bố hồi tháng 10/2023); tiếp đến là Cần Thơ 34 thương nhân, Long An 22 thương nhân, Đồng Tháp 15 thương nhân, An Giang 14 thương nhân. Tuy nhiên, cũng tại danh sách này, một số địa phương chỉ có 1 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo là Hà Nam, Hậu Giang, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Thanh Hóa.

Theo danh sách này nếu so với thời điểm giữa năm, số thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã giảm đi đáng kể. Trước đó, trong danh sách hồi giữa tháng 8/2023, cả nước có tổng cộng 210 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng đến tháng 10/2023 chỉ còn 170 thương nhân.

161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận xuất khẩu gạo- Ảnh 1.

161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận xuất khẩu gạo. Ảnh: Internet

Năm 2023 là năm chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Sản lượng gạo xuất khẩu đạt 8,1 triệu tấn, trị giá 4,68 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với năm trước. Đây là kết quả xuất khẩu gạo cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam.

Trong năm 2023, thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam là ASEAN, chiếm 61% tổng lượng xuất khẩu. Xuất khẩu gạo sang ASEAN đạt 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước. Ngoài ra, có sự tăng trưởng trong việc xuất khẩu gạo sang các thị trường khác như Trung Quốc (tăng 8%) và Ghana (tăng 32,9%).

Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương đánh giá cao công tác tham mưu điều hành xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực và tiêu thụ lúa gạo của nông dân với giá cao. Cùng với đó, cơ quan này đã tích cực đàm phán và thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo ổn định thị trường trong bối cảnh tình hình thương mại gạo thế giới diễn biến phức tạp.

Ngay từ vụ Đông Xuân, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp với Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo, qua đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xuất khẩu gạo năm 2023.

Trước động thái bất ngờ của Ấn Độ về việc cấm xuất khẩu tất cả chủng loại gạo trắng thường (phi basmati), Bộ Công thương đã kịp thời chỉ đạo các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đảm bảo duy trì mức dự trữ lưu thông, cân đối xuất khẩu hiệu quả.

Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu đã tham mưu cho Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước

Bộ Công thương tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu truyền thống, trọng điểm (Malaysia, Philippines) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo; ký kết với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ về Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ trong đó Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp 30.000 tấn gạo cho thị trường Mông Cổ.

Tổ chức Đoàn giao dịch thương mại gạo taị thị trường Trung Quốc nhằm duy trì, củng cố và mở rộng thị phần sản phẩm gạo tại thị trường Trung Quốc.

Dự báo cho năm 2024, giá gạo xuất khẩu có thể tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng do nguồn cung bị thắt chặt. Các hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ có thể làm thắt chặt thêm thị trường gạo, đặc biệt là ở giai đoạn đầu năm. Ngược lại, nhu cầu nhập khẩu của một số quốc gia như Indonesia, Philippines có thể làm tăng giá gạo xuất khẩu.

Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn