179 biên bản ghi nhớ, hợp tác được ký kết trong sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP
Trong khuôn khổ diễn ra sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, vừa qua, tại Hà Nội, Sở NN&PTNT phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ban chủ trì Hội thảo Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc.
Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Văn Chí, ông Ngọ Văn Ngôn, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự góp mặt đông đảo của các đại biểu Trung ương; đại biểu các tỉnh miền núi phía Bắc; đại biểu thành phố Hà Nội; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị, chủ thể OCOP cùng các đơn vị báo chí, truyền thông của Trung ương và thành phố.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, mục đích của buổi Hội thảo nhằm giới thiệu, kết nối, quảng bá các sản phẩm OCOP tiềm năng của Hà Nội và 15 tỉnh, thành phía Bắc; 11 tỉnh thành khác trong cả nước. Qua đó, hỗ trợ các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... Để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Chia sẻ tại Hội thảo, các chủ thể doanh nghiệp OCOP đánh giá cao chương trình giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, đây không chỉ là chương trình lớn có ý nghĩa với các doanh nghiệp mà là cơ hội vàng cho các chủ thể OCOP để kết nối, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm OCOP trao biên bản ghi nhớ, hợp tác cho các chủ thể tham gia sự kiện.
Ông cũng bày tỏ thêm: “Đây là cơ hội vàng cho các chủ thể doanh nghiệp có thể kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP của mình. Bởi lẽ không dễ gì có thể đến gặp các đơn vị thu mua để kết nối như các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn... Việc tổ chức sự kiện tại địa điểm Tây Hồ có lợi thế đặc biệt với số lượng người tiêu dùng lớn, nhiều người nước ngoài sinh sống và có đông đảo khách du lịch ghé thăm. Đây là điều kiện thuận lợi để các chủ thể doanh nghiệp OCOP có thể kết nối, tư vấn và quảng bá thông tin về sản phẩm của mình”.
Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cũng khẳng định: “Chương trình OCOP đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng (với 301 sản phẩm của 75 chủ thể là doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh tham gia dự thi); khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền; tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Tham luận tại Hội thảo, bà Hậu cho rằng, để sản phẩm OCOP vào được các siêu thị, kênh phân phối hiện đại thì chủ thể OCOP cần đảm bảo các giấy tờ đầy đủ. Tuy nhiên, có một thực tế, mặc các đơn vị đã được cấp chứng nhận về OCOP nhưng khi các siêu thị hỏi đến giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, giấy kiểm nghiệm thì hầu như các doanh nghiệp, chủ thể OCOP đều thiếu hoặc có nhưng lại hết hạn. Các hệ thống bán lẻ mong muốn đa dạng hóa sản phẩm trên kệ và họ không gây khó dễ cho các chủ thể OCOP. Vấn đề ở đây là các chủ thể không đáp ứng được yêu cầu về giấy tờ. Một vấn đề nữa là hai bên cùng phải kết hợp để giữ uy tín của doanh nghiệp và uy tín của nhà bán lẻ.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến cũng chia sẻ, Hà Nội là trung tâm với nhiều làng nghề, có nhiều dư địa để phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời là thị trường tiêu thụ rất lớn, là nơi kết nối, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP phải bảo đảm việc chuẩn hóa quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất khép kín, bảo vệ môi trường... Để khi đến tay người tiêu dùng sẽ nhận được sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất.
Ông cũng bày tỏ: “Thông qua chương trình này, hy vọng trong thời gian tới, sự kiện giới thiệu, kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP sẽ dần trở thành hoạt động hàng quý, hàng tháng thường xuyên của Hà Nội. Đặc biệt, quận Tây Hồ sẽ phát triển được thế mạnh về du lịch và sản phẩm du lịch. Về phía cơ quan quản lý, sẽ tổ chức đánh giá các tiêu chí sản phẩm OCOP chuẩn xác, đúng với giá trị thật của sản phẩm để chương trình ngày càng phát triển bền vững, hiệu quả”.
Đặc biệt, tại Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các chủ thể tham gia sự kiện với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm. Cuối Hội thảo có 179 biên bản ghi nhớ, hợp tác được ký kết. Trong đó có 24 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với 15 tỉnh miền núi phía Bắc; 140 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với các chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP và biên bản ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam và 11 tỉnh miền núi phía Bắc.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.