2 động lực tăng trưởng của Digiworld trong 5 năm tới: Phân phối độc quyền Xiaomi và Huawei tại Việt Nam, lấn sân dược phẩm và mỹ phẩm

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:42 PM 07/04/2021

Trong tương lai 5 năm tới, Digiworld tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng hằng năm trung bình ít nhất 25%, thông qua việc mở rộng ngành hàng kinh doanh cả chiều dọc lẫn chiều sâu.

Năm 2020 đáng nhớ của Digiworld

Với đặc thù mô hình kinh doanh bán sỉ và lại hoạt động trong lĩnh vực ICT, mặc Covid-19, Digiworld vẫn có một năm kinh doanh rất tốt.

Trong ĐHCĐ 2021, Ban lãnh đạo Digiworld tiết lộ: Luỹ kế cả năm 2020, Digiworld đạt tổng doanh thu thuần 12.535 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 267 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và 64% so với năm ngoái. Với kết quả kinh doanh này, công ty đã hoàn thành 123% kế hoạch doanh thu và 132% lợi nhuận cả năm.

Theo số liệu kiểm toán, tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của Digiworld đạt hơn 3.068 tỷ đồng, tăng hơn 660 tỷ đồng so với đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh từ 131 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 878 tỷ đồng; các khoản phải thu tăng gần gấp đôi, lên hơn 1.130 tỷ đồng; trong khi hàng tồn kho giảm gần 1/2 xuống còn hơn 827 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ ngắn hạn tiếp tục tăng cao từ 1.475 tỷ đồng lên 1.905 tỷ đồng, tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm, trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 629,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 670 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị Digiworld đã thông qua nghị quyết về kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu 15.200 tỷ đồng, lợi nhuận 300 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là mảng điện thoại di động, kế đến là máy tính xách tay, thiết bị văn phòng và tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Digiworld đã công bố kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt 10% và phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ 1:1. Thời gian thực hiện dự kiến sẽ diễn ra trong Quý II - Quý III/2021.

Như tài liệu công bố trước ĐHCĐ, Digiworld lên phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn (ESOP) cho người lao động trong năm 2021. Số lượng tối đa 2,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. HĐQT công ty cũng đề xuất phương án phát hành quyền chọn mua cổ phần cho người lao động với giá thực hiện quyền 120.000 đồng/cổ phiếu nhằm khuyến khích cán bộ nhân viên đóng góp vào tăng trưởng giá trị công ty, gắn liền với lợi ích cổ đông.

2 động lực tăng trưởng của Digiworld trong 5 năm tới: Phân phối độc quyền Xiaomi và Huawei tại Việt Nam, lấn sân dược phẩm và mỹ phẩm - Ảnh 1.

Ông Đoàn Hồng Việt - Tổng Giám đốc Digiworld

Ông Đoàn Hồng Việt - Tổng Giám đốc Digiworld, chia sẻ: "Năm 2021, Digiworld kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng tích cực nhờ chiến lược cao cấp hoá thị trường máy tính xách và điện thoại di động, cũng như nắm bắt cơ hội từ chương trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển mạng 5G của Chính phủ".

Dù thị trường ICT đang có dấu hiệu chững lại, song điều đó vẫn không ảnh hưởng tới quyết tâm trở thành doanh nghiệp vài triệu đô của Digiworld. Trong tương lai 5 năm tới họ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng hằng năm trung bình ít nhất 25%, thông qua việc mở rộng ngành hàng kinh doanh cả chiều dọc lẫn ngang. Như ông Đoàn Hồng Việt tiết lộ: người Digiworld luôn có tư duy mở, cái gì có lời sẽ bán cái đó, nên ông thường nói vui với nhân viên, có lúc công ty mình có thể bán từ ‘cây kim sợi chỉ đến tàu thủy máy bay’.

Theo đó, 2 động lực tăng trưởng cụ thể của Digiword trong tương lai gần sẽ là phân phối độc quyền cho Xiaomi và Huawei, dấn sâu vào mảng FMCG – cụ thể là dược phẩm cùng mỹ phẩm.


Phân phối độc quyền cho Xiaomi và Huawei tại thị trường Việt Nam

Thế giới đang thiếu chip bởi 2 nguyên nhân: năng lực cung cấp chip của Trung Quốc xuống thấp do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ Trung và nhu cầu chip tăng đột biến do Covid-19 (khách hàng mua sắm đồ ICT cùng đồ gia dụng thông minh nhiều hơn). Tất nhiên, việc này có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của Digiworld.

"Nếu không thiếu chip gây ra việc khan hiếm hàng hóa, doanh thu của Digiworld còn tốt hơn. Nhưng bù lại, dòng tiền cùng lợi nhuận của Digiworld đang được cải thiện. Ngoài ra, Digiworld luôn thường xuyên thương lượng lại với các nhà cung cấp của mình mỗi khi thị trường có biến động lớn, nhờ thế lợi nhuận của doanh nghiệp đã tăng nhẹ qua các quý.

Do thời cuộc, Digiworld cũng thay đổi chiến lược khi phân phối Mi11 – điện thoại flagship của Xiaomi. Chúng tôi set giá cao hơn kèm nhiều khuyến mãi hơn, tức chấp nhận lượng hàng bán ra ít nhưng sẽ lấy lại doanh thu từ những sản phẩm ‘ăn theo’ Mi 11. Trong thời buổi thiếu hụt hàng ICT như thế này, chiến lược như thế sẽ tốt hơn là làm ngược lại. Đây chỉ là một kỹ thuật trong kinh doanh", ông Đoàn Hồng Việt tiết lộ.

Digiworld đã và đang phân phối khoảng 30 nhãn hiệu, trong đó có 3 nhà cung cấp nổi bật là Apple, Xiaomi và Huawei. Với Apple, họ không phải là nhà phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam, song với Xiaomi và Huawei thì có.

Trong năm 2020, Digiworld đã khai trương 2 Mistore đầu tiên tại Đà Nẵng và Hà Nội, cùng 1 Trung tâm bảo hành Xiaomi đầu tiên tại Việt Nam. Trong vài năm tới, Digiworld sẽ tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng và trung tâm bảo hành Xiaomi trên khắp 15 tỉnh thành lớn nhất của Việt Nam.

Đặc biệt, để tránh ảnh hưởng xấu của chiến tranh thương mại, không ít nhà cung cấp cho các thương hiệu lớn như Xiaomi đã dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam. Thông tin không chính thống cho biết: sẽ có một nhà máy sản xuất các sản phẩm về Home Assistant của Xiaomi khánh thành tại Việt Nam vào tháng 6/2021.

2 động lực tăng trưởng của Digiworld trong 5 năm tới: Phân phối độc quyền Xiaomi và Huawei tại Việt Nam, lấn sân dược phẩm và mỹ phẩm - Ảnh 2.

Các thiết bị Home Assistant của Xiaomi.

Trước đây vì vấn đề thuế suất quá cao khi nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam, nên Digiworld đã không tham gia phân phối mảng Home Assistant của Xiaomi; bây giờ mọi chuyện đã khác. Trong tương lai gần, Digiworld sẽ nỗ lực chiếm một phần đáng kể trong thị trường trị giá khoảng 8,4 tỷ USD của Home Assistant.

Về phần Huawei: Digiworld bắt tay với ông lớn đến từ Trung Quốc này từ năm 2020, đến đầu năm 2021, quan hệ hợp tác giữa cả vừa nâng lên một tầm cao mới, khi ký kết thành công hợp tác chiến lược. Theo đó, Digiworld sẽ đảm nhận toàn bộ hoạt động phát triển thị trường (Market Expansion Services) cho Huawei tại thị trường Việt Nam.

"Chúng tôi biết là Huawei đang rất khó khăn trong mảng điện thoại, nhưng Digiworld không đặt nhiều kỳ vọng vào mảng điện thoại của Huawei mà vào những mảng khác như thiết bị đeo tay – laptop, vì đây là một tập đoàn công nghệ rất mạnh về kỹ thuật và tài chính. Nếu Mỹ thay đổi chính sách với Huawei, điều đó sẽ tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của Digiworld trong tương lai gần", ông Đoàn Hồng Việt tiếp tục phân tích.


Dấn sâu vào mảng FMCG – cụ thể là dược phẩm cùng mỹ phẩm

Trong năm 2020, mặc dù doanh thu mảng FMCG mang lại không như kỳ vọng của Ban lãnh đạo Digiworld, song điều đó không làm họ nản lòng.

Sở dĩ, Digiworld phải bổ sung nhiều ngành nghề kinh doanh để xin ý kiến ĐHCĐ trong năm nay – trong đó có mỹ phẩm và dược phẩm, là bởi một lần xin ý kiến một lần khó. Ban lãnh đạo của Digiworld luôn có tư duy mở, cái gì cảm thấy có tiềm năng sẽ phân phối; xin ý kiến bổ sung nhiều ngành nghề 1 lần là muốn tận dụng cơ hội nhanh hơn, không phải tiến hành xin ĐHCĐ vì thủ tục khá phức tạp và mất thời gian.

Tháng 12/2020, Digiworld đã có hợp tác chiến lược với Regenflex – sản phẩm chất lượng cao được nhập khẩu từ Ý, chuyên bổ sung dịch khớp tự nhiên cho khớp bị tổn thương – thoái hóa, nhằm phục hồi chức năng khớp. Với sản phẩm này, Digiworld đã chính thức tiến vào lĩnh vực phân phối thuốc bên cạnh phân phối các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Digiworld cũng đang có ý định phát triển kênh phân phối ở bệnh viện.

"Trong tương lai, Digiworld sẽ tiếp tục tìm kiếm các nhà phân phối và nhãn hàng mới trong mảng FMCG – đặc biệt là dược phẩm. Hiện tại, doanh số FMCG vẫn còn nhỏ nên dễ tăng trưởng nhanh. Tôi hy vọng, hướng phát triển mảng FMCG của Digiworld trong tương lai sẽ đi theo hiệu ứng ‘hòn tuyết lăn’, càng lăn lại càng lớn và dễ dàng thu hút các nhà cung cấp lớn, như mảng ICT đã làm được.

Digiworld sẽ dựa vào năng lực cốt lõi của bản thân, để có thể vừa phát triển chiều ngang lẫn chiều dọc", ông Đoàn Hồng Việt kết luận.

Quỳnh Như
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.