2 tháng đầu năm, doanh nghiệp mua lại trước hạn hơn 9.400 tỷ đồng trái phiếu
Trong hai tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 9.450 tỷ đồng trái phiếu.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC cho biết, tính từ đầu năm đến ngày công bố thông tin 1/3/2024, toàn thị trường có ba đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 1.165 tỷ đồng.
Trong tháng 2, các doanh nghiệp đã mua lại 2.056 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Cộng với 7.394 tỷ đồng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trong tháng 1, con số lũy kế của hai tháng đầu năm là 9.450 tỷ đồng.
VBMA cho biết trong 10 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 255.732 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 98.127 tỷ đồng, tương đương 38,4%.
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6.213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 24 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp phần nào giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, dù tình trạng chậm trả gốc/lãi vẫn đáng quan ngại.
Theo tính toán của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), giá trị trái phiếu có nguy cơ chậm trả gốc/lãi trong năm 2024 là 40.000 tỷ đồng, chiếm 19% lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mức 147.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh trong năm 2023.
Xu hướng giảm này là do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính mới tăng lên, đặc biệt là đối với nhóm ngành có tỷ lệ chậm trả cao như bất động sản, xây dựng, năng lượng, nhờ vào các chính sách hỗ trợ và môi trường lãi suất thấp.
,Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.