2 tháng đầu năm lượng hành khách qua đường hàng không tăng hơn 90%
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng hành khách thông qua các Cảng hàng không đạt ước 19,7 triệu khách, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Hàng không vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về công tác vận chuyển hàng không hai tháng đầu năm 2023, trong đó sản lượng chuyến bay và hành khách đều tăng cao.
Cụ thể, số lượng chuyến bay đi/đến là 78.800 chuyến, tăng hơn 62% so với cùng kỳ năm 2022; điều hành bay quá cảnh đạt 35.400 chuyến, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2022.
Số lượng hành khách đi qua các cảng hàng không đạt 19,7 triệu khách, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số này khách quốc tế đạt 4,7 triệu khách, tăng 1.959,9% so với cùng kỳ năm 2022 và khách nội địa đạt 14,8 triệu khách, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong hai tháng đầu năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 9,8 triệu khách, tăng gần 92% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó khách nội địa là 7,4 triệu khách, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022 và khách quốc tế là 2,4 triệu khách, tăng 2.333,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không trong hai tháng đạt 168.000 tấn, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng hóa quốc tế là 117.000 tấn, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm 2022; hàng hóa nội địa là 51.000 tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Với kết quả đạt được, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn, có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Thị trường quốc tế đang dần hồi phục và dự báo sẽ đạt được mức của năm 2019 vào cuối năm nay.
IATA dự báo, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.
Tuy nhiên, để đạt được như dự báo, ngành hàng không cần cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, lấy sự hài lòng và thuận lợi của hành khách làm trung tâm để nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực là điều cần thiết.
Ngoài việc nâng cao chất lượng của các chuyến bay, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt ở tất cả các khâu trong dịch vụ mặt đất tại các cảng hàng không, từ nhân viên an ninh, hải quan, nhân viên của các hãng hàng không, với mục tiêu tạo hình ảnh thân thiện, hài lòng cho khách du lịch ngay từ khi đặt chân tới Việt Nam đến khi rời Việt Nam.
Với những cơ hội có thể phục hồi thị trường khách quốc tế trong năm 2023, ngành hàng không cũng cần có sự chủ động, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của các cảng hàng không, giảm bớt và hạn chế tình trạng ùn tắc tại khu vực trong và ngoài nhà ga, giảm thời gian chờ đợi làm thủ tục chuyến bay.
Tăng cường đưa vào các ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ hàng không để giảm thời gian chờ đợi, hạn chế tối đa sự chậm trễ cho khách hàng.
Ngoài ra, ngành hàng không và du lịch có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong bối cảnh, một số thị trường du lịch quốc tế trọng điểm của Việt Nam đang bị hạn chế như thị trường Trung Quốc, thị trường Nga, các doanh nghiệp hàng không cần chủ động chuyển đổi thị trường trọng điểm mới, việc tìm kiếm và xúc tiến những thị trường du lịch mới là điều cần thiết. Các hãng hàng không nên chủ động đề xuất mở thêm các đường bay mới đáp ứng nhu cầu du lịch của khách quốc tế.
Việt Nam có những lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế, chính trị ổn định. Và có tới 80% lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam du lịch bằng đường hàng không.
Bởi vậy, để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch và hàng không cần có sự phối hợp chặt chẽ. Đối với lĩnh vực du lịch, cần có những chính sách cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nhập cảnh vào Việt Nam, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Minh An (t/h)Ngày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".