2 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt hơn 2,5 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 2,52 tỷ USD (tăng 12,4%, tương đương tăng 280 triệu USD so với cùng kỳ năm 2024).
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hai tháng đầu năm nay đạt gần 9,4 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ 2024. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính, gỗ và các sản phẩm từ gỗ dẫn đầu với hơn 2,5 tỷ USD, tăng 12,4%.
Trong 2 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam (chiếm 55% tổng kim ngạch). Các đơn hàng gỗ nhập khẩu vào Mỹ tăng đều trong thời gian gần đây và nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết năm 2025.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Nhật Bản (chiếm 11,7% tổng kim ngạch) và Trung Quốc (chiếm 9,8% tổng kim ngạch).

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt hơn 2,5 tỷ USD. Ảnh: Internet
Theo nhận định của các chuyên gia, tuy xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm có nhiều thuận lợi nhưng thời gian tới, ngành gỗ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc của gỗ (bảo đảm hợp pháp, không làm mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính).
Các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… ngày càng thắt chặt yêu cầu về xuất xứ gỗ, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao kiểm soát chuỗi cung ứng; các thị trường như Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều là các đối thủ cạnh tranh mạnh trong khu vực; nguy cơ suy giảm kinh tế tại các thị trường lớn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy, ngành gỗ cần chuẩn bị kỹ để vượt qua thách thức và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết hiện Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với đà tăng trưởng hiện tại và sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý, ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.
Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đánh giá triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.
Để xuất khẩu bền vững, tránh rủi ro, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cùng ngành chức năng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực phòng vệ thương mại. Chứng minh rằng quan hệ thương mại trong lĩnh vực gỗ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ là quan hệ bổ trợ cho nhau.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới và đã chinh phục được các thị trường khó tính như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các thị trường mới nổi (Trung Đông, Ấn Độ...).
Năm nay, nông, lâm, thủy sản đặt kế hoạch xuất khẩu 64-65 tỷ USD. Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng mục tiêu này có thể lên 70 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức từ chiến tranh thương mại và chính sách bảo hộ. Ông cho biết Bộ đang triển khai các giải pháp để mở rộng thị trường, duy trì đà tăng trưởng và tận dụng lợi thế từ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Huyền My (t/h)
Bộ Tài chính đề xuất hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu.