2 tuần liên tiếp, TP.HCM duy trì 'vùng xanh'
UBND TP.HCM vừa có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn TP tính đến ngày 13-1. Theo đó, TP.HCM tiếp tục đạt cấp độ 1 của dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế; quận 10, quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức đã giảm từ cấp 2 xuống cấp 1.
Sáng 15/1, UBND TP.HCM đã có thông báo khẩn về cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
Theo thông báo của UBND TP.HCM, tính đến ngày 13/1, dịch COVID-19 tại thành phố vẫn duy trì được cấp độ 1 là "vùng xanh" - nguy cơ thấp như tuần trước. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp TP.HCM là vùng xanh.
Về phía quận - huyện, có 19/22 địa phương đạt cấp độ 1 là "vùng xanh" - nguy cơ thấp, gồm: 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, Củ Chi, Hóc Môn và TP Thủ Đức
TP.HCM có 3/22 địa phương ở cấp độ 2 - là "vùng vàng", gồm quận 1, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè.
Như vậy, so tuần trước, TP.HCM có 2 địa phương tăng cấp độ dịch từ cấp 1 lên cấp 2 là Cần Giờ và Nhà Bè; 3 địa phương giảm cấp độ dịch từ cấp 2 xuống cấp 1 là quận 10, Bình Thạnh, TP Thủ Đức.
Ở cấp phường, xã, thị trấn, TP.HCM có 252/312 địa phương đạt cấp độ 1; 60/312 địa phương cấp độ 2. TP.HCM có 38 phường, xã giảm cấp độ dịch; 18 phường, xã tăng cấp độ dịch so với tuần trước.
UBND TP.HCM đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai những biện pháp hành chính "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19" trong các lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, số người mắc COVID-19 mới ở TP trong tuần từ ngày 7-1 đến 13-1 là 3.122 ca, còn số mắc mới của tuần trước (từ ngày 31-12-2021 đến 6-1-2022) là 3.244 ca. Như vậy, tổng số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/tuần trên địa bàn thành phố là 34 ca. Theo tiêu chí này thì TP.HCM ở cấp độ 2 theo Nghị quyết 128 (từ 20-<50).
Tuy nhiên, về tiêu chí bộ bao phủ vắc-xin, tính đến ngày 14-1-2022, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều trên địa bàn TP.HCM đạt 100% (trên mức 70%), tỉ lệ người từ 50% trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin đạt 88,25% (trên mức 80%). Đây được đánh giá là tín hiệu khả quan, đặc biệt trong bối cảnh số ca mắc mới, chuyển nặng và tử vong mỗi ngày tại TP.HCM có chiều hướng giảm sâu.
Về tiêu chí bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh theo các tuyến, TP.HCM đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân), sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.
Các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch thiết lập các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm bệnh tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Trước đó, ngày 14/1, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản về việc tạm ngưng hoạt động Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, số 5, số 10 và Bệnh viện Dã chiến Củ Chi từ 19/1.
Cơ quan này cho biết tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố bước đầu được kiểm soát, số ca mắc mới và tử vong tiếp tục giảm. Hiện, số lượng người bệnh điều trị tại các cơ sở y tế dã chiến chiếm khoảng 10-30% công suất giường bệnh.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Nhằm tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP.HCM sẽ sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán.
Người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện trên nếu đủ điều kiện xuất viện được trở về nhà. Trường hợp cần tiếp tục điều trị sẽ được điều chuyển đến bệnh viện điều trị COVID-19 khác trên địa bàn.
HM (T/h)Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".