2022 dự báo một năm bùng nổ của M&A

Đầu tư và Tiếp thị
11:22 AM 13/12/2021

Sau tổn thương mất mát do đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp trong nước thuộc các lĩnh vực du lịch, bán lẻ, tiêu dùng... sẽ tìm vốn từ hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Từ đó, các chuyên gia dự báo M&A sẽ bùng nổ trong năm 2022.

Nhiều cơ hội "bùng nổ" M&A trong năm 2022

Đại dịch COVID-19 diễn ra toàn cầu cũng như ảnh hượng nặng nề tại Việt Nam đã thúc đẩy hoạt động M&A gia tăng mạnh trong năm 2021 với con số hàng tỉ USD. Các lĩnh vực M&A nhiều nhất liên quan đến tài chính, tiêu dùng, năng lượng tái tạo. 

Đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt vẫn 26,46 tỉ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỉ USD.

Năm 2022, dự báo một năm bùng nổ của M&A - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Điều này chứng tỏ, bất chấp COVID-19, thị trường M&A Việt Nam vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn cho cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cho thấy các doanh nghiệp vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như các giải pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ.

Các chuyên gia dự báo, năm tới, hoạt động M&A sẽ bùng nổ mạnh mẽ.

Dự báo này dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi, tạo cú huých cho thị trường M&A trong năm 2022. Đó là, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… đang bơm một lượng tiền lớn để phục hồi, kích thích nền kinh tế phát triển. Theo đó, dòng vốn rẻ, dồi dào đang được nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư sử dụng trong các chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị toàn cầu, đầu tư cho các mô hình phát triển mới vào các doanh nghiệp, dự án có tiềm năng trong tương lai, và Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn để các nhà đầu tư lựa chọn giải ngân dòng vốn này.

Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có những FTA lớn như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); FTA Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA)…

Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý cải cách thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày càng hoàn thiện, sẽ tạo bàn đạp vững chắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Theo đó, nhiều đổi mới, cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, thực hiện đầu tư - kinh doanh trong sửa đổi các Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư 2020… đã có hiệu lực và đi vào cuộc sống, tạo hiệu ứng tích cực lên M&A trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Đặc biệt, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đang được Chính phủ trình Quốc hội. Chương trình này không chỉ là gói kích thích phục hồi kinh tế được lượng hoá bằng vốn lớn, mà còn là việc điều chỉnh chính sách vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế, thúc đẩy cải cách kinh tế sâu, rộng hơn. 

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao… cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Điều này đồng nghĩa, hạng mục đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ được rộng mở hơn, nhiều sự lụa chọn.

Một yếu tố khác đang trợ lực cho thị trường M&A là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước tham gia vào M&A. Nếu như trước đây M&A chủ yếu là các thương vụ của các doanh nghiệp FDI, thì những năm gần đây vai trò của các doanh nghiệp trong nước đối với hoạt động M&A đang gia tăng mạnh mẽ. Trong đó, có 5 doanh nghiệp trong nước năm 2021 đã tích cực với các thương vụ M&A, như: VinGroup, HPGroup, Vinamilk; Massan; Novaland...

Năm 2022, dự báo một năm bùng nổ của M&A - Ảnh 2.

Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) 2021 với chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ”.

Ngành nào sẽ hút vốn?

Tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) 2021 với chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về lĩnh vực M&A thu hút các nhà đầu tư trong năm 2022. 

Ông Masataka "Sam" Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán sáp nhập xuyên quốc gia Reof Corporatione, nhận xét trước, trong và sau COVID-19, các công ty Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á đã có nhiều thay đổi trong xu hướng đầu tư. Các lĩnh vực mà Nhật Bản vẫn muốn rót vốn vào Việt Nam, gồm, xây dựng hạ tầng, logistics, bán lẻ tiêu dùng và năng lượng sạch.

Còn theo ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, các lĩnh vực thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư Hàn Quốc bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính và hậu cần.

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính là nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp "không tiếp xúc" (thuật ngữ được tạo ra trong đại dịch COVID, ám chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không yêu cầu phải có sự tiếp xúc trực tiếp với khách hàng) triển vọng kinh tế trong dài hạn và số lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng.

Ngoài ra, vì các doanh nghiệp Hàn Quốc có chuyên môn cao trong các lĩnh vực này, đặc biệt là công nghệ tài chính, họ tin rằng có thể đóng góp cho các đối tác trong chuỗi giá trị và thị trường nói chung.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực mà nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn dành nhiều sự quan tâm bao gồm tài chính, ô tô - cả bán lẻ và sản xuất, bảo hiểm ô tô, xây dựng và bất động sản.

Ngành năng lượng sẽ là một trong những ngành năng động, có nhiều thay đổi về quy định pháp lý. Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF cho rằng, sẽ có thể thu hút thêm nhiều nguồn vốn hơn cho lĩnh vực này nếu các chính sách hỗ trợ tư nhân trong đầu tư ngành điện, minh bạch và dễ đoán định hơn. Các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng mong muốn tham gia lĩnh vực này.

Ngành ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng sẽ luôn hấp dẫn nhà đầu tư. Các ngành mới hấp dẫn trong những năm tới dự báo là năng lượng tái tạo, dược phẩm, viễn thông, cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch RSM Việt Nam, cho rằng sau đại dịch, ngành du lịch, hàng không, bán lẻ đã thiệt hại nặng nề, nhiều tổn hại cho bảng cân đối kế toán. Chính vì vậy, năm 2022, lĩnh vực này cần "vá" lại tổn thất trên bảng cân đối kế toán, dẫn đến nhu cầu tìm nguồn vốn sẽ gia tăng và cơ hội để các hoạt động M&A diễn ra sôi động hơn. Hiện tại, theo ông Lâm, nhiều dòng tiền từ nội địa và quốc tế tìm cách đổ vào Việt Nam nên các mảng này sẽ "nóng".

Hoài Thương
Ý kiến của bạn