22 chuyến tàu khách phải dừng do ảnh hưởng bão số 3
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), ngành Đường sắt đã phải dừng 22 chuyến tàu khách; dừng chạy toàn bộ tàu hàng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng.
Cụ thể, tính đến 16h ngày 7/9, bão số 3 đã ảnh hưởng đến hạ tầng một số vị trí trên các tuyến đường sắt phía Bắc.
Trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Gia Lâm - Hải Phòng và Kép - Hạ Long, một số vị trí cây đổ vào đường sắt, các đơn vị chốt trực đã chủ động khắc phục, bảo đảm an toàn chạy tàu.
Tại khu vực từ ga Yên Dưỡng đến Cái Lân trên tuyến đường sắt Kép - Hạ Long - Cái Lân (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh), do mưa to và gió rất lớn, các đơn vị đang tạm dừng tuần đường trên phạm vi chưa có kế hoạch chạy tàu. Nhân viên gác chắn được bố trí nghỉ tại nhà gác chắn, không đi ra ngoài.
Trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, một số vị trí cây đổ vào đường sắt, các đơn vị chốt trực đã chủ động khắc phục, bảo đảm an toàn chạy tàu. Riêng vị trí Km73+837 là giao cắt đường bộ - đường sắt có gác, gió lớn khiến cần chắn dài 8m bị gãy. Hiện, đơn vị đã cử người cảnh giới.
Về khắc phục thiệt hại, Công ty CP Đường sắt Hà Lạng đã chỉ đạo các đội, các cung cầu đường bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt. Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội tiếp tục cử người theo dõi và cảnh giới tại các vị trí có cần chắn bị gãy.
Cũng theo VNR, để tránh thiệt hại, bảo đảm an toàn về người, phương tiện, ngành Đường sắt đã bãi bỏ 22 chuyến tàu khách. Trong đó, bãi bỏ 2 mác tàu khách Thống Nhất SE11/SE12 từ ngày 9 đến 12/9; toàn bộ 8 tàu chuyến khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng trong ngày 7/9 và 2 chuyến tàu khách trong ngày 8/9; bãi bỏ 2 chuyến tàu NA1/NA2 giữa Hà Nội - Vinh ngày 7/9; 2 chuyến tàu SP3/SP4 giữa Hà Nội - Lào Cai ngày 7/9.
Về tàu hàng, ngành Đường sắt đã dừng chạy toàn bộ tàu hàng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng từ hôm nay (7/9).
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, VNR yêu cầu các đơn vị chủ động kiểm tra các vị trí xung yếu, gia cố bảo đảm an toàn; thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác tại các vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm.
Tổ chức thường trực 24/24 giờ để kịp thời khắc phục sự cố; lập phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện, thiết bị, nhà xưởng và an toàn giao thông đường sắt…
Nam Dương (T/h)Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.