24,3 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, số ca nhiễm tăng kỷ lục ở Ấn Độ và Philippines
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 10 giờ sáng ngày 27/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 24,3 triệu ca mắc bệnh Covid-19, trong đó 829,666 người đã tử vong. Hơn 16,87 triệu bệnh nhân đã phục hồi trong khi còn gần 6,63 triệu ca đang được điều trị
Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca nhiễm Covid-19 trong ngày 26/8, với 75.995 trường hợp. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp số ca nhiễm mới ở mức trên 60.000. Tổng số người mắc bệnh tại Ấn Độ đã vượt 3,3 triệu ca.
Đất nước đông dân thứ hai thế giới này đứng thứ 3 về số ca nhiễm, sau Mỹ và Brazil. Trong 24 giờ qua, đã có 1.017 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 60.629 ca.
Ngày 26/8, Thủ hiến bang Punjab cho biết, 23 nghị sĩ bang này đã dương tính với SARS-CoV-2. Ông Singh cho rằng, nếu đây là tình trạng nhiễm bệnh của các nhà lập pháp và các bộ trưởng thì có thể tưởng tượng được tình hình nghiêm trọng như thế nào trên thực tế.
Trong khi đó Chủ tịch Nghị viện bang Punjab Rana K P Singh cho biết con số cuối cùng những nghị sĩ nhiễm SARS-CoV-2 sẽ được công bố vào ngày 27/8.
Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 15 ca mới đều là các ca "nhập khẩu", đánh dấu ngày thứ 10 liên tiếp nước này không có thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến hết ngày 26/8, Trung Quốc đại lục công bố tổng cộng 84.996 ca, trong đó có 347 người vẫn đang được điều trị, 80.015 người đã khỏi bệnh và 4.634 ca tử vong.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 320 ca mới, nâng tổng số lên người mắc bệnh lên 18.265 ca. Đã 13 ngày liên tiếp kể từ ngày 14/8, thời điểm bùng phát lây nhiễm diện rộng ở Seoul và khu vực lân cận, số ca mới trong ngày tăng ở mức tăng ba con số. Tổng số ca mới phát sinh từ ngày 14/8 là 3.495 ca.
Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 18.265 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 312 ca không qua khỏi. Quốc hội Hàn Quốc sẽ đóng cửa trong ngày 27/8 sau khi một phóng viên ảnh đến đưa tin về một phiên họp của đảng Dân chủ cầm quyền trong sáng 26/8 đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện Chủ tịch Quốc hội Lee Hae-chan đã tự cách ly.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, chính quyền thành phố Tokyo đã xác nhận 236 ca mới, tăng sau khi đã giảm xuống hai con số hồi đầu tuần. Hiện thành phố này ghi nhận tổng cộng 19.846 ca.
Trước đó, Tokyo đã ghi nhận số ca mới ở mức 3 con số trong hầu hết các ngày của tháng 8, trừ ngày 24/8. Tuy nhiên, số ca mới đang có chiều hướng giảm bớt kể từ giữa tháng 8. Chính quyền thành phố hiện vẫn giữ nguyên cảnh báo ở mức cao nhất trong 4 bậc.
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 5.277 ca nhiễm virus, mức cao nhất trong vòng 12 ngày qua và có 99 ca tử vong. Theo bộ trên, tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 202.361 ca, trong đó hơn 60% số ca được ghi nhận trong tháng trước. Tổng số ca tử vong đã lên tới 3.137 ca. Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á.
Cùng ngày, Myanmar ghi nhận 70 ca nhiễm mới, cũng là mức tăng cao nhất ở nước này, trong bối cảnh một đợt bùng phát mới sau nhiều tuần không có ca lây truyền trong nước.
Truyền thông Indonesia đưa tin, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục gia tăng trong tháng 8. Người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Chính phủ, ông Wiku Adisasmito cho biết, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus hiện là 14%, tăng 0,7% so với hồi tháng 7.
Ông Wiku cho hay, tỷ lệ nói trên vượt xa mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 5% để bước vào giai đoạn "mức bình thường mới". Ngày 26/8, Indonesia ghi nhận thêm 2.306 ca mới, nâng tổng số lên 160.165 ca, trong đó 6.944 ca tử vong.
Bộ Y tế Campuchia thông báo không phát hiện thêm ca mắc Covid-19 và vừa có thêm một trường hợp khỏi bệnh. Đây là ngày thứ 12 liên tiếp Campuchia không ghi nhận ca mắc mới. Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng cải thiện, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia mới đây đã "bật đèn xanh" cho các trường mẫu giáo và trường tiểu học ở nước này được mở cửa trở lại trong tháng 9 tới, sau hơn 3 tháng phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Tại châu Âu, Chính phủ Anh ghi nhận khoảng 41.500 người tử vong vì Covid-19, mức cao nhất tại châu Âu.
Tại Pháp, số ca tử vong vì Covid-19 ở Pháp đã ở mức cao thứ 7 thế giới, với 30.544 ca. Ngày 25/8, Pháp ghi nhận 3.304 ca nhiễm mới, trong đó số ca là thanh niên tăng mạnh. Chính phủ đang giám sát chặt các số liệu để cân nhắc việc áp dụng phong tỏa hay các biện pháp hạn chế phòng dịch khi cần.
Bộ Ngoại giao Đức đã quyết định gia hạn cảnh báo đi lại đối với các nước ngoài châu Âu đến ngày 14/9, do lo ngại dịch bệnh. Cảnh báo nói trên lẽ ra sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 8. Đức cũng đã điều chỉnh chiến lược xét nghiệm với người trở về từ các vùng có nguy cơ cao, theo đó bãi bỏ yêu cầu thực hiện xét nghiệm sàng lọc, và thay bằng quy định người trở về phải tự cách ly. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định cách ly.
Tại châu Mỹ, số ca nhiễm mới hằng ngày ở Mỹ đã có chiều hướng giảm bớt, với 43.000 ca/ngày, giảm 21% so với thời điểm đầu tháng 8, diễn biến mà giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng là hiệu quả của việc đeo khẩu trang thường xuyên hơn, nhưng cũng có thể do xét nghiệm chưa nhiều.
Tại châu Phi, WHO cho biết, châu lục này có thể đã vượt qua đỉnh dịch nhưng cũng cảnh báo sự nới lỏng, lơ là trong phòng chống dịch bệnh sẽ tạo điều kiện cho sự bùng phát làn sóng dịch thứ 2.
Hiện châu Phi là châu lục ít bị ảnh hưởng nhất của đại dịch Covid-19, sau châu Đại Dương, với gần 1,2 triệu ca nhiễm và gần 28.000 ca tử vong. Trong đó, Nam Phi chiếm gần 1/2 tổng số ca nhiễm của toàn châu lục và đứng thứ 5 trên toàn cầu. Ai Cập, Nigeria và Morocco có số ca nhiễm trong khoảng từ 50.000 đến 100.000 ca.
Mỹ UyênNgày 11/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão.