258 sàn giao dịch cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT

Kinh doanh
05:10 PM 08/02/2023

Sau hơn một tháng chính thức vận hành Cổng thông tin thương mại điện tử (TMĐT) để tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, đến nay đã có 258 sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin người bán cho cơ quan thuế.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 98 Luật Quản lý thuế số 38, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Do đó, các sàn giao dịch TMĐT đang phải cung cấp thông tin cho các cơ quan Thuế theo yêu cầu của từng cơ quan Thuế.

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho biết, việc cung cấp thông tin như vậy đã gây nhiều khó khăn cho các sàn cũng như việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Thuế. Cụ thể: do lượng thông tin cung cấp rất lớn, trong khi cách thức cung cấp thông tin mới chỉ được thực hiện theo hình thức thủ công (bản giấy, file excel gửi qua email, gửi bằng USB), các mẫu biểu yêu cầu cung cấp thông tin không thống nhất giữa các cơ quan Thuế, có thể xảy ra trường hợp nhiều cơ quan Thuế cùng yêu cầu cung cấp thông tin.

258 sàn giao dịch cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT - Ảnh 1.

Kể từ ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin TMĐT.

Để giải quyết khó khăn cho các sàn giao dịch TMĐT trong việc cung cấp thông tin, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin TMĐT để tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch TMĐT từ ngày 15/12/2022. Tính đến ngày 6/2/2023 đã có 258 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT với thông tin chi tiết về 14.883 tổ chức và 53.212 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế) quy định trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.

Cụ thể, tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.

"Riêng đối với sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các thông tin chung nêu trên còn phải cung cấp thông tin về doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn thương mại điện tử", Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Trường hợp tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử không cung cấp thông tin theo quy định thì cơ quan thuế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (thuedientu.gdt.gov.vn, truy cập vào “Cổng dữ liệu thông tin TMĐT”) theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế quy định tại phụ lục quy định về thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ tiếp nhận thông tin từ tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT đính kèm công văn.

Thương Huyền (t/h)
Ý kiến của bạn
Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.